TRANG PHỤC (THƯỜNG PHỤC) Ở ĐÀNG TRONG THỜI VÕ VƯƠNG NGUYỄN PHÚC KHOÁT – NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG

TS. Võ Vinh Quang*

Bài viết này được đăng tải trên sách Huế kinh đô áo dài Việt Nam (Nxb Thuận Hóa, Huế, 10/2020), tr.181-226. Bài đăng ở sách, chúng tôi gõ phần chữ Hán-Nôm khá đầy đủ, duy ở tại trang này thì chúng tôi xin lược bỏ phần Hán Nôm trong các trích đoạn dài, vì đã có hình ảnh đính kèm phía trước.

  1. Lời dẫn

            Việt Nam với truyền thống hàng ngàn năm lịch sử, đã “ấp ôm” gìn giữ trong chính đời sống dân tộc mình rất nhiều sự phong phú, đa dạng, đa chiều về văn hóa và phong tục tập quán. Sự đa dạng ấy bắt nguồn từ quá trình dồn tích, ảnh hưởng tác động qua lại (cả tự nguyện và bắt buộc), giao thoa (cả chủ động lẫn bị động, có ý thức lẫn vô thức) giữa các nền văn hóa trong tiến trình lịch sử của dân tộc ta; Và cũng bởi tính đa chiều kích, đa văn hóa cùng với sự thiếu thốn khá nhiều tư liệu, hình ảnh thực tế, cụ thể qua từng giai đoạn lịch sử (do nhiều nguyên nhân như chiến tranh, thiên tai hoặc cũng có khi do sự bất cẩn trong nhận thức của chính con người… khiến cho nhiều nguồn tư liệu thư tịch và hình ảnh, vật chất của Việt Nam ta gần như không còn hiện diện) mà cho đến nay, việc phân định rạch ròi, rành mạch, rõ ràng các vấn đề về lịch sử, văn hóa phong tục tập quán của địa phương và đất nước gặp khá nhiều khó khăn, khiến nảy sinh không ít ý kiến trái chiều, chưa đồng thuận.

            Một trong những phong tục truyền thống mà chúng tôi muốn đề cập ở đây, chính là các đặc trưng về y phục thường nhật của dân chúng (tức thường phục) ở Đàng Trong thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.

Bởi lẽ, từ trước tới nay, các nhà nghiên cứu đều cùng nhận thức chung và khẳng định trang phục (ở đây chỉ thường phục) “áo dài” được áp dụng trong toàn cõi Nam Hà triều Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (ở ngôi 1738-1765) chính là tiền thân của chiếc Áo dài truyền thống của Việt Nam hiện nay.

Tuy nhiên, chiếc “áo dài” thời chúa Nguyễn Phúc Khoát có những đặc trưng tiêu biểu gì, hay nói cách khác, có những điểm ưu thế ra sao, để từ đó tạo nên sự quy chuẩn áp dụng cho toàn dân (nam nữ) ở Đàng Trong; Và phong cách ăn mặc (thường phục thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát) đặc trưng ấy đã được các triều vua Nguyễn, nhất là Hoàng đế Minh Mạng (ở ngôi: 1820-1840) nâng tầm thành điển lệ, ban hành chỉ dụ áp dụng thống nhất trong toàn cõi Việt Nam.

Đó cũng chính là “nhịp cầu” quan trọng để chiếc áo dài truyền thống nước ta linh động thay đổi theo thời gian, dần đi đến sự hoàn thiện và định hình về phong cách riêng có, tạo nên một nét đặc sắc về trang phục, là “điểm nhấn” quan trọng trong nét văn hóa truyền thống của người Việt.

1- Nét đặc trưng của thường phục thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát

Đến nay, nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa, phong tục tập quán và nhất là trang phục (áo quần, mũ nón, hài thia, giày dép… của dân tộc Việt Nam) đã nghiên cứu, luận bàn và lý giải về thường phục thời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Bên cạnh những cuốn sách chuyên khảo về y phục như Tìm hiểu trang phục Việt Nam (Dân tộc Việt)[1] Trang phục Việt Nam[2] của Đoàn Thị Tình, Trang phục triều Lê Trịnh[3] của Trịnh Quang Vũ, Ngàn năm áo mũ[4] của Trần Quang Đức… thì cũng có hàng trăm bài báo, tạp chí, bài tham luận tại các hội thảo trong và ngoài nước… ít nhiều đều đề cập.

Mặc dù vậy, các luận giải của các nhà nghiên cứu vẫn chưa thực sự nêu bật được nét đặc trưng y phục của nam nữ (thường phục) do Võ vương Nguyễn Phúc Khoát quy định, áp dụng cho toàn cõi Nam Hà (từ Nam sông Gianh vào Nam). Do đó, mới đây cũng có một số ý kiến phản bác, họ cho rằng chúa Nguyễn Phúc Khoát không phải là người định lệ nên chiếc “áo dài” tiền thân của áo dài Việt Nam hiện nay[5]. Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi xin phân tích và luận giải trên cơ sở các sử liệu ghi chép về thường phục thời Võ vương.

Như đã biết, quy định (định lệ) thay đổi trang phục có tính bắt buộc (pháp quy) trong toàn dân chúng xứ Nam Hà của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát được ghi chép tại các tư liệu gồm:

(1) Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 (quyển 6 – Sản vật) của Lê Quý Đôn;

(2) Dã sử lược biên Đại việt quốc Nguyễn triu thực lục 埜史略編大越國阮朝寔錄 (quyển 8 – Thế Tông Hoàng đế kỷ 世宗皇帝紀) do các vị Tô Xuyên tử Lý Văn Phức, Giản Đức tử, Trứ Quang tử Nguyễn Công Trứ, Tài Đức tử… Đây chính là hai tư liệu trực tiếp, ghi chép cụ thể nhất về quy cách trang phục mới được chúa Nguyễn Phúc Khoát áp dụng trên toàn xứ Đàng Trong.

Ngoài ra, có các tư liệu tương hỗ như Đại Việt sử ký tục biên 大越史記續編 của Quốc sử quán triều Lê; Đại Nam thực lục tin biên 大南寔錄前編 của Quốc sử quán triều Nguyễn; Gia Định thành thông chí 嘉定城通志 của Trịnh Hoài Đức; Lịch triu hiến chương loại chí 歷朝憲章類誌 (mục Lễ nghi chí) của Phan Huy Chú; Quốc triu tin biên toát yếu 國朝前編撮要 (quyển 1) của Cao Xuân Dục… Các tư liệu này đa phần chỉ điểm xuyết, nhấn mạnh một cách tổng quan (khái lược) đến sự thay đổi y phục thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chứ không đi sâu vào chi tiết của sự thay đổi ấy. Bởi thế, chúng tôi tập trung vào các thông tin từ hai sách Phủ biên tạp lụcDã sử lược biên, Đại việt quốc Nguyễn triu thực lục. Dưới đây, chúng tôi xin đi vào cụ thể.

Thứ nhất, về việc thay đổi trang phục xứ Đàng Trong theo hướng chuẩn hóa một phong cách ăn mặc thống nhất thì các sách Phủ biên tạp lụcGia Định thành thông chí đều ghi nhận xuất hiện từ khoảng những năm đầu khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi. Cụ thể, tại Phủ biên tạp lục, Quyển 1 (Sự tích khai thiết khôi phục hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam), có đoạn:  

Ảnh 1: đoạn Hán văn ghi chép phần thay đổi y phục sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi năm 1738 (đoạn bôi vàng) trích từ tờ 33a-b, Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 (Q.1-2), lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu R.1605.

Phiên âm:

Ý Tông – Vĩnh Hựu tứ niên, Mậu Ngọ, Phúc Chú (Trú) tốt, lị sự thập tam niên, thọ tứ thập tam, tư thuỵ Đại Nguyên soái Tổng Quốc chính Tuyên Đạt vương. Trưởng tử Phúc Khoát kế tập, tự xưng Tiết Chế Thủy Bộ Chư Doanh Thái phó Hiểu Quốc công, biệt hiệu Từ Tế[6] đạo nhân. Y phục nam nữ tịnh tòng Bắc quốc thể chế. Kim Hoàng thượng Cảnh Hưng ngũ niên, Giáp Tý, Phúc Khoát văn Trung triu[7] liên tuế binh cách, yển nhiên tự đại. Thời hữu ưu đàm khai hoa chi thụy[8], phúng kì thần Hương Danh hầu Nguyễn Đăng Thịnh suất quần hạ phụng sách khuyến tiến tiếm hiệu xưng Vương…

Nghĩa là:

[Lê] Ý Tông, Vĩnh Hựu năm thứ 4, Mậu Ngọ (1738), Phúc Trú chết, nắm quyền cai trị được 13 năm, thọ 43 tuổi, riêng đặt thụy là Đại Nguyên soái Tổng Quốc chính Tuyên Đạt vương. Con trai trưởng Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi, tự xưng Tiết Chế Thủy Bộ Chư Doanh, Thái phó, Hiểu Quốc công, biệt hiệu Từ Tế đạo nhân. Áo quần nam nữ đu nương theo thể chế của Bắc quốc [Trung Quốc].

Nay, vào năm Giáp Tý, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 của Hoàng thượng ta (1744), Phúc Khoát nghe tin triều đình Trung ương [triều Lê Trịnh] liên tiếp hàng năm có chiến tranh thì kiêu ngạo tự cao, bấy giờ lại có điềm Ưu đàm nở hoa, xui bề tôi là Hương Danh hầu Nguyễn Đăng Thịnh đem thuộc hạ dâng sách văn khuyên lên ngôi, tiếm hiệu xưng vương[9]

Qua đoạn văn trên, chúng ta thấy rằng việc thay đổi y phục – cụ thể ở đây là thường phục – của nam nữ ở Đàng Trong đã được chúa Nguyễn Phúc Khoát cho tiến hành bước đầu [có thể là giai đoạn thử nghiệm, chứ chưa ràng buộc bằng các quy chế mang tính pháp quy] từ lúc ông mới lên ngôi Chúa (khoảng đầu những năm Mậu Ngọ – 1738), chứ không phải bắt đầu từ năm 1744 [năm Giáp Tý – 1744 là năm chính thức xưng Quốc vương, nên việc thay đổi y phục được điển chế hóa và chính thức áp dụng cho toàn dân xứ Thuận Quảng]. Điều đó cũng được Trịnh Hoài Đức xác nhận trong Gia Định thành thông chí, quyển 4, mục Phong tục chí như sau:

Ảnh 2: Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí (Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch), Nxb Giáo Dục, Hà Nội, tr.369 của phần Hán văn.

Phiên âm:

Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế, Mậu Ngọ nguyên niên (Lê Ý Tông Vĩnh Hựu tứ niên, Đại Thanh Càn Long tam niên), cải định sắc phục, kỳ văn võ quan phục, tham chước Hán Đường lịch đại chí Đại Minh chế độ, cập tân chế thức dạng, như kim quan chế phẩm phục hội điển ban hành giả, văn chất kiêm bị, kì sĩ thứ phục xá khí dụng, lược như Đại Minh thể chế, tận trừ Bắc Hà lậu tập, vi y quán văn hiến chi bang hĩ.

Nghĩa là:  

Năm Mậu Ngọ, Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế năm thứ 1 (1738) (Lê Ý Tông, niên hiệu Vĩnh Hựu thứ 4; Đại Thanh – Càn Long năm thứ 3), đổi định sắc phục. Với quan phục của [các quan] văn võ, [thì] tham chước các triều đại từ Hán, Đường đến chế độ Đại Minh để mà chế tác ra kiểu mới giống như phẩm phục các quan theo Hội điển (điển lệ) đã ban hành thời nay [tức triều Nguyễn], [nên] văn chất đủ đầy. Còn trang phục, nhà cửa, đồ dùng khí cụ thì đại lược tương tự như thể chế đời Minh, xóa hết thói tục hủ lậu của Bắc Hà, trở thành một nước y quán [áo mũ] văn hiến).

***

Theo thông tin từ các tư liệu trên, ta thấy việc cải đổi y quán (áo mũ) theo thể thống nhất của Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát đã từng bước xuất hiện từ năm đầu Võ vương lên ngôi (1738), đến năm Giáp Tý (1744), khi Võ vương Nguyễn Phúc Khoát chính xưng vương vị (Quốc vương), lập nên một “nước” Nam Hà tách bạch với Bắc Hà … thì đã quyết định chính thức đổi mới trang phục thông qua các sắc lệnh, hoặc đạo dụ bắt buộc [thuộc dạng điển lệ/ điển chế] là điều tất yếu. Điều đấy được chính Lê Quý Đôn trong ghi nhận rõ ràng trong Phủ biên tạp lục, khi vào tiếp quản Thuận Hóa (1776). Cụ thể, ở quyển 6: Sản vật 物產 trong Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄, khi viết về các thứ vải, lụa, Quế Đường Lê Quý Đôn[10] cho biết:

Ảnh 3Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄, tờ 226a-b (Cổ học viện tàng bản. Ảnh bản từ sách Phủ biên tạp lục , tập 2, bản dịch của Lê Xuân Giáo – Quốc vụ khanh Đặc trách Văn hóa Xuất bản, SG, 1973, tr.705-706)

Phiên âm:

Cảnh Hưng ngũ niên, Giáp Tý, Hiểu Quốc công nhân Nghệ An nhân truyền ngôn sấm vân: “Bát thế hoàn Trung đô[11]”, dĩ tự Đoan Quốc công chí dĩ thích đương bát đại, nãi xưng Vương hiệu, thủ Tam tài đồ hội trung quán phục thể chế vi thể thức, lệnh võ tự Chưởng doanh chí Cai đội, văn tự Quản bộ[12] chí Chiêm hậu[13], Huấn đạo các y thái dạng, y giai dụng thải đoạn. Quý giả dụng mãng bào thủy ba, kỳ mạo sức dĩ kim ngân. Hựu, lệnh nhị xứ nam nữ cải dụng Bắc quốc y thường đái quần, dĩ thị biến dịch. Chí sử phụ nữ giai trách tụ đoản y như nam trang, tắc Bắc quốc sở vô dã. Tam thập dư niên, nhân giai quán tập, vong kỳ bổn tục).

Nghĩa là:

Năm Giáp Tý niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1744), Hiểu Quốc công nhân cớ có người Nghệ An lưu truyền lời sấm ký rằng: “Tám đời [thì] quay trở về Kinh đô”, tính từ đời Đoan Quốc công [Nguyễn Hoàng] tới nay [đời chúa Nguyễn Phúc Khoát] đã trải đến 8 đời, bèn xưng Vương hiệu, lấy cách thức chế tác áo mũ trong sách Tam tài đồ hội[14] làm thể thức (tiêu chuẩn), lệnh cho toàn thể các quan võ từ Chưởng cơ cho đến Cai đội; các quan văn từ Quản bộ cho đến Chiêm hậu, Huấn đạo… nương theo sắc thái, hình dạng y phục [ở Tam tài đồ hội], đều dùng tơ lụa và sa tanh ngũ sắc. Người quyền quý thì dùng áo mãng bào thủy ba [áo bào thêu rồng 4 chân, dưới áo là phần sóng nước uốn lượn], mũ đội thì trang sức bằng vàng, bạc.

Lại lệnh cho nam nữ hai xứ [Thuận Hóa – Quảng Nam] đổi dùng áo quần, đai lưng kiểu Bắc quốc [Trung Quốc] để tỏ ý biến đổi [trang phục]. Đến như khiến sai phụ nữ đều dùng trách tụ đoản y như trang phục Nam giới, tất Bắc quốc [Trung Quốc] không h có vậy. Hơn 30 năm [thay đổi cách ăn mặc], người người [ở Đàng Trong] đã thành thói quen ăn mặc, quên mất phong tục [về mũ áo] vốn có.

***

Đoạn văn này có hai ý chính liên quan đến trang phục được định chế vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát chính thức xưng Quốc vương ở Nam Hà (Đàng Trong), thiết lập nên vương triều tách bạch hẳn với Bắc Hà (Đàng Ngoài), đó là:

[1] Sử dụng các kiểu cách trang phục được Tam tài đồ hội, quyển 62-64 ghi chép về y quán (áo mũ) của Vương Kỳ đời Minh miêu tả và vẽ lại cụ thể rõ ràng, nhằm để phỏng theo các loại y quán đó, mà chuẩn hóa hệ thống Triều phục (gồm cả đại triều, thường triều, áo quần mũ miện của vua chúa, hoàng hậu hoàng tử công chúa thứ phi, cung tần mỹ nữ, quan viên, sĩ tử… dùng cho từng mục cụ thể, như tế Nam Giao, tế Xã Tắc, cúng tế thường niên… Tùy vào từng vấn đề cụ thể trong các hoạt động của triều đình để chế định các loại trang phục áo mũ cụ thể). Chúng tôi đã tra cứu khá kỹ Tam tài đồ hội, mục y quán 衣冠 (với 3 quyển, từ quyển 62 đến 64), thấy rằng toàn thể ghi chép và đồ hình áo mũ trong Tam tài đồ hội không hề có mục nào mô tả y phục thường ngày (thường phục).

Vậy nên, phần đầu của đoạn văn trên: “lấy cách thức chế tác áo mũ trong sách Tam tài đồ hội làm thể thức (tiêu chuẩn), lệnh cho toàn thể các quan võ từ Chưởng cơ cho đến Cai đội; các quan văn từ Quản bộ cho đến Chiêm hậu, Huấn đạo… nương theo sắc thái, hình dạng y phục [ở Tam tài đồ hội], đều dùng tơ lụa và sa tanh ngũ sắc. Người quyền quý thì dùng mãng bào thủy ba [áo bào thêu rồng 4 chân, dưới áo là phần sóng nước uốn lượn], mũ đội thì trang sức bằng vàng, bạc…” chính để chỉ cho việc sử dụng mẫu thức trong Tam tài đồ hội của Vương Kỳ triều Minh, nhằm mô phỏng, áp dụng cho việc thay đổi triều phục, quan phục hoặc các trang phục của những gia đình quyền quý trong cung vua phủ chúa, quan viên nha lại.. (thuộc các quy định, mô phỏng về trang phục cung đình). Đấy tuyệt nhiên không liên quan đến đoạn văn chỉ sự thay đổi về thường phục, với sự cải đổi áo mũ cho toàn thể nam nữ ở Đàng Trong.

Dưới đây là một số hình ảnh trích xuất từ sách Tam tài đồ hội để làm rõ cho việc sử dụng nó nhằm mô phỏng áo mũ trang phục trong triều đình Võ vương Nguyễn Phúc Khoát của nhà Nguyễn.

(Vài hình ảnh y phục của Tam tài đồ hội, là các trang phục cung đình, quan lại…)

Ảnh 4 – Đồ hình Mũ áo của Sai nha, Nha lại (Tam tài đồ hội), các ảnh kèm phía dưới đều trích từ sách Tam Tài đồ hội
Ảnh 5 – đồ hình áo lễ phục của bậc đế vương (với những hình trang trí trên áo)
Ảnh 6 – Mũ áo của quần thần (với mũ Ô sa và áo Bàn lĩnh).
Ảnh 7 – Áo huy y (áo tế của Hoàng hậu) và áo mũ của kẻ sĩ
Ảnh 8 – Áo mũ ngự dụng (Ngự dụng quán phục) + Giáng sa bào (áo bào đỏ thẫm)
Ảnh 9 – Triển cước phác đầu của Thị nghi Xá nhân + Giác thúc đái (dải thắt eo lưng)
Ảnh 10 – Giao cước phác đầu của hàng quan chức Hiệu thảo

(Trên đây là một số hình ảnh tiêu biểu, cho thấy áo mũ ở Tam Tài đồ hội là dạng triều phục, quan phục, hoặc sĩ thứ y phục… chứ không có thường phục của bách tính.)

[2] Cải đổi thường phục của nam nữ Đàng Trong, tạo nên một bản sắc riêng, không pha lẫn trang phục (thường phục) với bất kỳ một quốc gia lãnh thổ nào (không hề học theo Tam tài đồ hội) được thể hiện tại đoạn dưới:

Hán văn: 又令二處男女改用北國衣裳帶裙,以示變易。至使婦女皆窄袖短衣如男裝,則北國所無也

Phiên âm:

Hựu, lệnh nhị xứ nam nữ cải dụng Bắc quốc y thường đái quần, dĩ thị biến dịch. Chí sử phụ nữ giai trách tụ đoản y như nam trang, tắc Bắc quốc sở vô dã.

Nghĩa là:

Lại lệnh cho nam nữ 2 xứ [Thuận – Quảng] đổi dùng áo quần, đai lưng của Bắc quốc, để thể hiện sự biến chuyển, thay đổi. Đến như phụ nữ đều dùng chiếc áo choàng ngắn, tay áo hẹp [trách tụ đoản y] như trang phục nam giới, thì tất Bắc quốc không có vậy.

Đoạn này chính là trích đoạn được giới nghiên cứu trích dẫn để xác quyết công lao khai sáng chiếc áo dài truyền thống Việt Nam của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.

Dù vậy, do đa phần căn cứ vào các bản dịch từ trước tới nay (gồm [1] bản dịch của Ngô Lập Chí – 1959, [2] bản dịch của Quốc vụ khanh Đặc trách văn hóa[15]–  1972, 1973, [3] bản dịch của Viện Sử học – 1977, [4] bản dịch của Trần Đại Vinh – 2015, tái bản – 2018), [5] phần trích dịch của Trần Quang Đức ở Ngàn năm áo mũ (2013)… song tất cả các bản dịch đều không hề chú thích, giải thích rõ các thuật ngữ quan trọng, trong đó không chủ giải về ý nghĩa nội hàm của thuật ngữ trách tụ đoản y tại nguyên tác, nên đã dẫn đến có những ý kiến trái chiều và các nhận định thiếu chính xác như hiện nay.

Cụ thể, bản dịch Phủ biên tạp lục của Ngô Lập Chí (1959) viết:

“Lại hạ lệnh cho giai gái hai xứ ấy cải trang theo lối áo quần Trung Quốc, để tỏ ra sự đổi mới. Con gái mặc áo ngắn hẹp tay như áo con giai, cái lối ăn mặc ấy thì người Trung-quốc cũng không có. Đã hơn 30 năm thành ra thói quen, người ta quên cả lối ăn mặc cũ.”[16]

Bản dịch Phủ biên tạp lục của Lê Xuân Giáo (1972) rằng:

“…Chúa Nguyễn lại còn truyền lệnh bắt các hạng con trai, con gái trong hai xứ ấy phải thay đổi hẳn cách ăn mặc, phải dùng những đồ xiêm, áo, giải, quần theo như người Trung Quốc, để tỏ cho mọi người đều thấy và đều biết ở đây đã có sự canh cải hẳn lề lối ăn mặc của người đời xưa. Người ta khiến thay đổi lối ăn mặc đến nỗi đàn bà, con gái ở hai xứ này đều phải mặc thứ áo ngắn, chật ống tay như áo của đàn ông. Tại Trung Quốc cũng không thấy có người đàn bà nào ăn mặc lạ lùng như vậy ” [17]

Bản dịch Phủ biên tạp lục thứ 3 thuộc bộ Lê Quý Đôn toàn tập – Tập 1 của Viện Sử học (1977) cũng tương tự:

“Lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ đổi dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi; đến như khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như áo đàn ông thì Bắc quốc không có thế. Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tục cũ”[18].

Năm 2013, khi xuất bản sách Ngàn năm áo mũ, tác giả Trần Quang Đức có trích dịch đoạn văn này, về cơ bản không khác gì so với những bản trên:

“Lại lệnh cho hai xứ (Thuận Hóa, Quảng Nam) đổi dùng quần áo Bắc quốc để tỏ sự thay đổi. Đến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay giống áo nam giới thì Bắc quốc không như vậy”[19].

Năm 2015 (tái bản 2018), nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh công bố xuất bản cuốn Phủ biên tạp lục, tại đó ông đã hiệu chỉnh, bổ khuyết và dịch thuật lại. Liên quan đến phần áo mũ thường phục ở Đàng Trong, dịch giả viết:

“… Lại hạ lệnh cho trai gái hai xứ đổi dùng áo quần Bắc quốc để tỏ sự biến đổi; đến như khiến phụ nữ đều mặc áo ngắn hẹp tay như đàn ông thì Bắc quốc không có thế. Trải hơn 30 năm, người ta đều tập quen, quên cả tục cũ …”[20].

Qua các bản dịch Phủ biên tạp lục hiện có, chúng tôi thấy gần như tất cả các dịch giả đều phiên dịch “trách tụ đoản y” là áo ngắn hẹp tay.

Vậy, thuật ngữ đoản y  短衣 trong trách tụ đoản y 窄袖短衣 ở Phủ biên tạp lục có phải là “áo ngắn” (trong “áo ngắn hẹp tay” ?)như cách hiểu hiện hay hay không? Nói cách khác, chiếc đoản y 短衣 thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) giống hay khác gì so với khái niệm áo ngắn mà chúng ta đang mặc hiện tại?!.

Đấy chính là câu chuyện chúng tôi thấy cần làm rõ, bởi nó là điểm trọng yếu nhất để phác họa nên “chân tướng” diện mạo của trang phục đặc trưng tiêu biểu thời Võ vương, tồn tại suốt hơn 30 năm.

Trước tiên, cần lưu ý rằng trách tụ đoản y 窄袖短衣 còn gọi đoản y trách tụ 短衣窄袖, là một thuật ngữ đặc trưng về y phục, chỉ về một loại hình trang phục cổ. Từ điển Từ Nguyên 辞源, giải thích thuật ngữ  đoản y trách tụ 短衣窄袖:

Ảnh 11a – « Đoản y trách tụ » trong Từ nguyên (辞源) –Tu đính bản (1998), tr.2231
Ảnh 11b-  Cận cảnh « Đoản y trách tụ » trong Từ nguyên(辞源), tr.2231

Phiên âm:

[Đoản y trách tụ] Cổ đại chỉ Bắc phương thiểu số dân tộc đích phục trang. Tống, Thầm Quát, Mộng Khê bút đàm, Cố sự nhất: ‘Trung Quốc y quán, tự Bắc T dĩ lai, nãi toàn dụng Hồ phục. Trách tụ, phi lục đoản y, trường áo ngoa, hữu tiếp biến[21] đái, giai Hồ phục dã’. Nguyên, Tát Đô Thứ, Tát Thiên Tích tập, Hậu tập, ‘Tương phùng hành tặng cựu Hữu Trị tướng quân’ thi: ‘Nhất niên tương phùng Bạch Hạ môn, đoản y trách tụ hô lang quân’.   

Nghĩa là:

            Đoản y trách tụ: là loại trang phục của các dân tộc thiểu số phương Bắc (đối với Trung Quốc) thời xưa. Tác giả Thầm Quát đời Tống, trong sách Mộng Khê bút đàm, quyển 1- Cố sự 1 có đoạn : ‘áo mũ Trung Quốc từ thời Bắc Tề đến nay [đời Tống] thì toàn dùng trang phục của người Hồ. Áo hẹp cánh tay (trách tụ), áo [bào] ngắn màu xanh lục, giày da cao uốn cong, và dải thắt lưng có trang sức đều là trang phục người Hồ vậy’. Tác giả Tát Đô Thứ[22] (Satura) đời Nguyên (1272-1355), trong bài thơ “Tương phùng hành tặng cựu Hữu Trị tướng quân” ở Hậu tập (tập thơ kế sau) thuộc Tát Thiên Tích tập có câu : ‘Suốt một năm cùng gặp gỡ ở cửa Bạch Hạ/ áo [bào] ngắn tay hẹp gọi mời ông’.

Từ thông tin gợi mở ở Từ nguyên, chúng tôi đối chiếu Mộng khê bút đàm (夢溪筆談), Cố sự 1 (故事一) của Thầm Quát đời Tống lại thấy có thêm một dòng giải thích bổ sung về chức năng và hiệu quả của đoản y trách tụ bên cạnh đoạn trên ở Từ nguyên, xin được trích thêm dưới đây.

Ảnh 12:  Mộng Khê bút đàm 梦溪笔谈, Cố sự 1 (故事一), tờ 4a,Harvard Yenching College Library lưu trữ.

Phiên âm:

Trung Quốc y quán, tự Bắc T dĩ lai, nãi toàn dụng Hồ phục. Trách tụ, phi lục đoản y, trường áo ngoa, hữu tiếp biến đái, giai Hồ phục dã. Trách tụ, lợi ư trì xạ, đoản y trường áo, giai tiện ư thiệp thảo.

Dịch nghĩa :

Mộng Khê bút đàm, quyển 1- Cố sự 1 [của Thầm Quát] có đoạn : ‘áo mũ Trung Quốc từ thời Bắc Tề đến nay [đời Tống] thì toàn dùng trang phục của người Hồ [người Hồ là từ chỉ chung cho các dân tộc ở phương Bắc, phương Tây so với Trung Quốc, như Tây Vực, Mông Cổ…]. Trách tụ (áo cánh tay hẹp), áo [đuôi] ngắn màu xanh lục, giày cao, uốn cong bằng da, và dải thắt lưng có trang sức đều là trang phục người Hồ vậy. Áo tay hẹp (trách tụ) lợi cho cưỡi ngựa bắn tên, áo [đuôi] ngắn, giày cao uốn cong đều tiện cho việc lội sông lướt cỏ.

***

            Xin được giải thích cụ thể hơn về trang phục đặc trưng của người Hồ với phong cách trách tụ đoản y. Về ý nghĩa, trách tụ 窄袖 có nghĩa là loại áo có cánh tay áo được bóp hẹp, vừa vặn gọn gàng để dễ hoạt động một cách linh động; còn đoản y 短衣 trong thuật ngữ y phục (áo quần) từ xưa cho đến nay đều không mang hàm nghĩa chỉ loại hình “áo ngắn” của thời đại hiện nay.

Đoản y 短衣 trong truyền thống trang phục cổ trung đại, được giải thích với nghĩa là loại trang phục của giới bình dân, binh sĩ (古代为平民﹑士兵等所服 cổ đại vi bình dân, sĩ binh đẳng phục sở).

Theo Hán điển[23] (汉典) thì Đoản y (短衣 duǎnyī): tiếng Anh gọi là Coatee [loại áo có đuôi ngắn của phương Tây] chỉ cho loại áo bó sát người, có viền hoặc lưng ngắn. Đây là một loại trang phục phi Nho 非儒 (phi Nho giả đích y phục 非儒者的衣服) đã được ghi chép ở bộ sách Sử ký 史記 của Tư Mã Thiên đời Hán, quyển 99 : Lưu Kính, Thúc Tôn Thông truyện 劉敬, 叔孫通傳, với câu: “Thúc Tôn Thông Nho phục, Hán vương tăng chi; Nãi biến k phục, phục đoản y, Sở chế, Hán vương hỉ”「叔孫通儒服,漢王憎之;迺變其服,服短衣,楚製。漢王喜」(Nghĩa là: Thúc Tôn Thông mặc áo quần Nho gia, Hán vương ghét kiểu áo ấy; Ông bèn biến đổi trang phục, mặc áo [lưng/đuôi] ngắn, là kiểu trang phục của nước Sở, Hán vương vui thích)

Để giải thích rõ hơn cho câu văn này của Sử ký, danh nhân Tư Mã Trinh (司馬貞) đời Đường đã sách ẩn [索隱][24] rằng: “Khổng Văn Tường vân: « đoản y tiện sự, phi Nho giả y phục. Cao tổ Sở nhân, cố tòng k tục tài chế »  孔文祥 云:‘短衣便事,非儒者衣服。 高祖 楚 人,故從其俗裁製’ (Khổng Văn Tường nói rằng: dùng áo [lưng ngắn] để làm việc tiện dụng, nó là trang phục “phi Nho giáo”, Hán Cao tổ [Lưu Bang] là người nước Sở, cho nên theo phong tục thể chế của nước Sở [mặc đoản y].

***

Như vậy, đoản y 短衣 là thuật ngữ về y phục dùng để chỉ loại hình trang phục đặc trưng là áo bó sát thân người, có chiu dài khoảng từ dưới phần mông cho đến đầu gối (tùy từng điều kiện cụ thể), thể hiện sự gọn nhẹ linh hoạt trong quá trình hoạt động, là trang phục “phi Nho giáo” (hay phi Hán phục). Thuật ngữ Đoản y 短衣 theo hàm nghĩa đó, dùng phân biệt rõ với chiếc áo truyền thống của Hán phục (kiểu y phục với tà áo dài chấm gót, thân áo rộng thùng thình); chứ đoản y短衣 không dùng để chỉ loại hình áo ngắn trong trang phục thời hiện đại ngày nay.

Bởi lẽ, tên gọi “áo ngắn” mà chúng ta đang dùng theo nghĩa “shirt” của Anh ngữ, thì tiếng Hán gọi là sấn sam 襯衫, sấn y 襯衣 hay tuất sam 裇衫 [25].

Đấy là loại áo sơ mi ngắn mặc bên trong comple-veston; hoặc có thể mặc riêng. Hay cũng có thể dùng đoản sam 短衫 (duǎn-shān) để chỉ loại áo ngắn thời nay (đối lập với nó là chiếc áo sườn-xám, chữ Hán là trường sam 長衫 [cháng-shān], cũng viết k bào 旗袍 [Qí-páo] – đây là loại áo truyền thống của người Mãn Thanh). Bên cạnh đó, có thêm loại áo ngắn dùng mặc lót trong thân người, thì chữ Hán gọi là hãn sam (汗衫 hàn-shān) tương đồng với thuật ngữ singlet của tiếng Anh; Nếu là áo khoác ngoài, thì gọi là đơn quái 單褂 (dān-guà) , áo khoác ngắn thì là mã quái (馬褂, mǎ-guà)[26]

Từ những ý nghĩa nói trên của đoản y 短衣 như Sử ký 史記 của Tư Mã Thiên đời Hán chuyển tải, và thuật ngữ trách tụ đoản y 窄袖短衣 được giải thích bởi Từ nguyên 辞源, lại được rõ nghĩa ở Mộng Khê bút đàm 夢溪筆談 của Thầm Quát đời Tống, chúng ta thấy loại thường phục ở Đàng Trong với phong cách “trách tụ đoản y” mà Lê Quý Đôn chuyển tải ở Phủ biên tạp lục là kiểu áo có các đặc trưng là:

(1) Áo xẻ 2 tà[27], may bằng một lớp vải lụa, hoặc các chất liệu vải mỏng vốn có ở Đàng Trong bấy giờ;

(2) Dài xuống đến khoảng trên dưới đầu gối;

(3) Cánh tay áo được bóp hẹp để tiện hoạt động;

(4) Kiểu trang phục mang hơi hướng của Hồ phục (trang phục những tộc du mục, săn bắn ở Phương Tây và phương Bắc Trung Quốc), có tính chất tiêu biểu “phi Nho phục”, tức không quá dài và rộng thùng thình như áo quần Hán phục (Nho phục);

(5) Có thể dùng thắt lưng để chiết eo, hoặc chiết eo ngay trên thân áo;

(6) Mặc cùng với quần 2 ống, tạo nên sự năng động hoạt bát….

Một đặc điểm cần nhấn mạnh trong trang phục đoản y trách tụ của người Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát chính là đặc tính gọn gàng, hoạt bát, linh động tương tự như áo quần của Hồ phục. Hồ phục là trang phục của người Hồ (người Hồ là cách người Trung Quốc gọi chung cho những dân tộc ở phương Bắc và phương Tây của Trung Hoa, như người Scythia, Sarmatians, Parthia, người Ba Tư, người Hung Nô, người Hồ ở Tây Á và Trung Á, người Khiết Đan, Tây Hạ, người Nữ Chân (tức Mãn Châu về sau), người Cumans, Kipchaks, Magyars, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Rajputs, chiến binh Hồi giáo Ả rập, người da đỏ Comanches)…. Đây là các dân tộc có truyền thống cưỡi ngựa bắn cung, sống du mục nên rất thiện chiến. Họ nổi tiếng với thuật ngữ “Hồ phục kỵ xạ” 胡服騎射 (mặc áo mũ y phục người Hồ cưỡi ngựa bắn tên) được ghi chép trong sách Tư Trị Thông Giám 資治通鑒 của nhóm tác giả Tư Mã Quang 司馬光 đời Tống.

Vì sống đời cưỡi ngựa bắn tên, nên truyền thống áo mũ của các dân tộc này đều trọng ở sự gọn gàng, hoạt bát, năng động. Phong cách y quán 衣冠 (mũ áo) của họ là áo quần gọn nhẹ, tay áo bó gần sát bắp tay bằng vải lụa mềm co giãn, chiếc áo dài vừa phải (khoảng từ dưới hông cho đến dưới đầu gối) đi kèm với đó là quần hai ống bó hẹp, thắt lưng và giày cao bằng da… tất cả đều phải phù hợp cho sự di chuyển linh động để cưỡi ngựa bắn tên đạt hiệu quả tốt nhất.

Qua đó, y phục người Đàng Trong theo phong cách “trách tụ đoản y” là loại hình trang phục mang dáng dấp của Hồ phục, đó là trang phục gọn gàng với tay áo hẹp, áo dài khoảng từ dưới mông đến dưới đầu gối, kết hợp với nó là quần hai ống, giày bốt cao và chiếc thắt lưng bằng dây đai buộc gọn, ràng rịt quanh người (không phải loại đai lưng cột dây dài như kiểu Hán phục, hoặc 2 tà áo cột lại với nhau như kiểu áo tứ thân của phụ nữ Bắc Hà).

            Để kiểm chứng thực tế trang phục của người Hồ (Hồ phục) theo phong cách  “trách tụ đoản y” mà áo quần nam nữ Đàng Trong có những nét mô phỏng theo, chúng tôi đã tra cứu các nguồn tư liệu hình ảnh về y phục người Hồ trong lịch sử văn hóa của Trung Quốc trên các trang mạng. Xin được dẫn chứng bởi một số hình ảnh về Hồ phục, trong sự so sánh với áo quần kiểu Hán phục dưới đây:

Ảnh 13 – Sự khác biệt giữa Hán phục (áo dài chấm gót, cánh tay áo rộng) với Hồ phục (áo dài tới đầu gối, eo chít ở thắt lưng, cánh tay áo hẹp, quần 2 ống)
Ảnh 14- Hồ phục đời Tùy Đường (ảnh phục chế)
Ảnh 15 – Hồ phục đời Đường (Khảo cổ phát hiện tại mộ Vĩnh Thái công chúa). Nguồn: https://www.sohu.com/a/348972953_523187

 

Ảnh 16 – Hồ phục kiểu “Trách tụ đoản y”. Ảnh trích từ bài Hồ phục 胡服 tại link: https://m.baike.com/wiki/%E8%83%A1%E6%9C%8D?baike_source=innerlink
Ảnh 17 – Hồ phục của người  Tochari [吐火罗人]- nay ở Tân Cương – Trung Quốc).
Link : https://m.baike.com/wiki/%E8%83%A1%E6%9C%8D?baike_source=innerlink
Ảnh 18 – Tượng phụ nữ mặc Hồ phục, niên hiệu Khai Nguyên thứ 12, đời Đường (724).
Link :
https://news.artron.net/20180924/n1025125.html
Ảnh 19 -Bức Bích họa (tranh tường) người hầu gái mặc Hồ phục giống nam trang (kiểu trách tụ đoản y – tức áo dài đến đầu gối) ở một ngôi mộ đời Đường. Nguồn: https://vitomag.com/zhs/fashion/dqobf.html

            Từ các thông tin tư liệu về thuật ngữ “đoản y”, “đoản y trách tụ” cùng sự đối chứng qua những hình ảnh trang phục những người Hồ (Hồ phục) qua các thời kỳ nói trên, chúng tôi thấy rằng nét riêng có, độc đáo ở thường phục của nam nữ Đàng Trong thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đó là: tên gọi “đoản y” (trách tụ đoản y) song tuyệt nhiên không phải là “áo ngắn”, mà chính là loại hình áo dài” với chiu dài tầm trên dưới đầu gối (nhằm để phân biệt với áo dài phủ gót, gọi là trường y), được may bằng các chất liệu vải, lụa đặc trưng phổ biến ở hai xứ Thuận Hóa – Quảng Nam đương thời. Đó chính là dạng thức tiền thân của chiếc áo dài truyền thống Việt Nam hiện nay. Nói cách khác, thường phục xứ Nam Hà theo phong cách “đoản y” hay “trách tụ đoản y” tuyệt đối không thể hiểu là loại “áo ngắn” (mà tiếng Anh gọi là shirt [áo sơ mi ngắn] hoặc jacket [áo khoác ngắn]) mà mọi người đang mặc hiện nay.

Tức, yếu tố “ngắn” (đoản) trong đoản y thời chúa Nguyễn Phúc Khoát mang tính khu biệt, nhằm để phân định rõ ràng với yếu tố “dài” phủ chân/mắt cá của các trang phục truyền thống khác (như Hán phục). Hay, hiểu một cách phủ hợp thì “đoản y” thực chất phải là áo dàità áo dài tầm đến đầu gối (phi Hán phục), ngắn hơn chiếc áo dài của Hán phục (với tà áo dài chấm gót).

Chúng ta cần hiểu rõ nội hàm ý nghĩa của thuật ngữ “đoản y” trong Phủ biên tạp lục (thế kỷ XVIII): “đoản y” đương thời không bao giờ đồng nhất với loại áo ngắn thời hiện đại (tức loại áo [sơ mi] ngắn trong cách hiểu phổ biến hiện nay là loại áo Shirt trong tiếng Anh thì Hán dịch là sấn sam 襯衫 [衬衫, chèn-shān], sấn y 襯衣 [chèn-yī], tuất sam 裇衫 [xū-shān], hay đoản sam 短衫 [duǎn-shān], hoặc kể cả loại áo khoác ngắn/ngoài tương đương với Jacket của tiếng Anh, thì Hán dịch là gia khắc sam 茄克衫 [jiā-kè-shān], giáp khắc sam 夹克衫 [jiā-kè-shān])

            Loại áo “trách tụ đoản y” đặc trưng thời chúa Nguyễn Phúc Khoát là tin thân của chiếc áo dài tay hẹp truyn thống hiện nay, càng được khẳng định bởi các tư liệu liên quan như Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triu thực lục; Gia Định thành thông chí… Cụ thể, Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triu thực lục, quyển 8: Thế Tông Hoàng đế kỷ  (kỷ của Thế Tông Hoàng đế [Nguyễn Phúc Khoát], tờ 3a-b có đoạn:

Ảnh 20: Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục,quyển 8 (Thế Tông Hoàng đế kỷ, tờ 3a-b, ký hiệu : R.1676, Thư viện Quốc gia Việt Nam

Phiên âm:

          Thượng dĩ cổ sấm vân : ‘bát thế hoàn Trung đô’, tố tự Thái tổ chí thử chính trị k số, nãi cải y phục, dịch phong tục, dữ dân cánh thủy[28]. Hạ lệnh quốc nội sĩ thứ nam nữ tịnh trước nhu bào[29], xuyên thường, trin cân (tục hiệu Quần chân áo chiết/chít, thủy thử). Y phục, lư xá, khí dụng lược như Minh Thanh thể chế, tận cách Bắc Hà cựu tục tập.

Dịch nghĩa :

Chúa Thượng [Võ vương Nguyễn Phúc Khoát] lấy lời sấm xưa rằng: ‘tám thế hệ thì về lại Đô thành’, suy tìm (nguyên ủy) từ Thái tổ [Nguyễn Hoàng] cho đến nay đúng vừa số thế hệ ấy, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân bắt đầu một phen đổi mới. Hạ lệnh cho kẻ sĩ, thứ dân, nam nữ…đều mặc áo choàng ngắn mỏng (nhu bào), quần xuyên ống, khăn quấn đầu (tục gọi “Quần chân áo chiết/chít” [quần có ống chân, áo chiết hẹp eo và cánh tay] bắt đầu từ lúc này.) Áo quần, nhà cửa, vật dụng… đại khái như thể chế triều Minh – Thanh, mà dứt bỏ hết những phong tục tập quán cũ của Bắc Hà [Lê Trịnh].

***

Đoạn văn trên của Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triu thực lục (Thế Tông hoàng đế kỷ – kỷ về Thế Tông Hoàng đế Nguyễn Phúc Khoát) do những đại thần đầu triều Nguyễn như Tô Xuyên tử Lý Văn Phức, Giản Đức tử, Trứ Quang tử Nguyễn Công Trứ, Tài Đức tử giữ chức Biên tu, và một đội ngũ biên soạn khá đồ sộ như: Thai Lĩnh tử Nguyễn Văn Nhiên, Xuân Phái tử, Mai Lĩnh tử Phùng Đắc Ninh, Hoa Xuyên tử, Can Ngọc tử, Phiên Thành tử Nguyễn Duy Phiên, Tự Đức tử, Quỹ Giang tử… thì mặc dù được đặt tên là Dã sử lược biên 埜史略編 nhưng lại là cảo bản (bản thảo) phục vụ cho tính chuẩn hóa của chính sử (tư liệu này chưa được hoàng đế phê chuẩn cho in ấn, thuộc dạng bản thảo), chứ dã sử 埜史 ở đây không phải là tư liệu lưu hành trong dân gian, không do sử quan biên soạn… như cách hiểu thông thường.

            Với cách sắp đặt lớp lang, gọn gàng, thành các Kỷ[30] (mỗi kỷ là một triều vua, chúa), ghi chép từ thời chúa Nguyễn Hoàng (kỷ thứ 1) về sau, mỗi kỷ phân ra một quyển, Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triu thực lục rõ ràng là tư liệu lịch sử quan trọng của triều Nguyễn. Sách này được chính các đại thần trứ danh như Lý Văn Phức (1785-1849, đỗ Cử nhân năm 1819, niên hiệu Gia Long vàlàm quan trải 3 triều Minh Mạng – Thiệu Trị – Tự Đức, từ 1820 đến 1849), Nguyễn Công Trứ (1778-1858, đỗ Giải nguyên năm 1819, niên hiệu Gia Long vàlàm quan trải 3 triều Minh Mạng – Thiệu Trị – Tự Đức, từ 1820 đến 1847) chỉnh lý biên tu, thế nên Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triu thực lục có giá trị cao [có lẽ do chính triều đình ban lệnh biên soạn, ở dạng cảo bản], góp phần bổ khuyết thông tin liên quan đến chính sử triều Nguyễn (như Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ,, Khâm định Việt sử thông giám cương mục…), mà vì nhiều nguyên do nên chưa thể chuyển tải đầy đủ các vấn đề liên quan đến sử liệu, văn hóa, phong tục tập quán của từng triều Chúa và vua Nguyễn.

Chẳng hạn như việc Võ vương Nguyễn Phúc Khoát ban lệnh cải đổi thường phục của nam nữ ở Đàng Trong, thì các thông tin ở Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triu thực lục, kỷ về Thế Tông Hiếu Võ hoàng đế (đã trích dẫn ở trên) có phần cụ thể, rõ ràng hơn các tư liệu khác như Phủ biên tạp lục, Đại Nam thực lục tiền biên, Quốc triều tiền biên toát yếu… Đó là trang phục nhu bào (áo choàng ngắn mỏng một lớp), xuyên thường (quần xuyên ống, tức quần có hai ống chân), triền cân (khăn quấn đầu). Đặc biệt là cụm từ Nôm đặc trưng “Quần chân áo chiết/chít” 裙蹎襖裚 [quần có ống chân, áo chiết/chít hẹp eo và cánh tay] trong phần chua thêm ở phía trên văn bản, ở câu “tục hiệu quần chân áo chiết/chít thủy thử” 俗号裙蹎襖裚始此 (tục gọi quần chân áo chiết/chít bắt đầu từ lúc này) chính đã bổ khuyết, làm rõ thêm cho đặc trưng y phục áo dài ở Nam Hà, mà như Lê Quý Đôn đã gọi bằng thuật ngữ “trách tụ đoản y” 窄袖短衣 ở Phủ biên tạp lục: “…Chí sử phụ nữ giai trách tụ đoản y như nam trang, tắc Bắc quốc sở vô dã. Tam thập dư niên, nhân giai quán tập, vong k bổn tục”  至使婦女皆窄袖短衣如男裝,則北國所無也。三十餘年,人皆慣習,忘其本俗 (Đến như khiến sai phụ nữ đều dùng “trách tụ đoản y” [áo dài ngắn đến đầu gối, cánh tay hẹp] như trang phục Nam giới, thì tất Trung Quốc không h có vậy. Hơn 30 năm [thay đổi cách ăn mặc], người người [ở Đàng Trong] đã thành thói quen ăn mặc, quên mất phong tục [về mũ áo] vốn có)

            Như trên đã nói, loại hình y phục (ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến thường phục, không nói về quan phục, triều phục…) đặc trưng của thời chúa Nguyễn Phúc Khoát ban bố cho toàn xứ Thuận Quảng ở Nam Hà để phân biệt rạch ròi với cả Bắc Hà lẫn Trung Quốc chính là loại áo khoác mỏng dài tầm tới đầu gối (theo thuật ngữ đoản y 短衣 hoặc nhu bào 襦袍), được chiết eo và hẹp tay áo (trách tụ窄袖), và chữ Nôm của người Việt ta thường dùng là “quần chân áo chiết/chít” 裙蹎襖裚 (quần có 2 ống chân, áo chiết/chít eo). Loại trang phục này thoạt nhìn thì có đôi nét giống với các loại y phục thời Minh Thanh, song nhìn kỹ thì “Bắc quốc sở vô 北國所無 (nước Trung Quốc không hề có).

Vả chăng, đây là loại y quán thường nhật của nam nữ xứ Nam Hà, với đặc tính gọn gàng nhẹ nhàng, dễ dàng cho mọi hoạt động sinh hoạt, nên ngay từ sau khi Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát ban hành sự đổi mới trong ăn mặc thì “tam thập dư niên, nhân giai quán tập, vong kỳ sở tục” 三十餘年,人皆慣習,忘其本俗 (hơn 30 năm, người dân Nam hà quen với tập quán [ăn mặc trang phục loại này] mà quên mất tục lệ ăn mặc ở Bắc Hà) như tác giả của Phủ biên tạp lục đã chuyển tải.

            Với tính chất gọn nhẹ, linh hoạt nhưng không kém phần duyên dáng, phù hợp với thể trạng và phong cách linh động của người Việt, nên vào triều hoàng đế Minh Mạng (1820 – 1840), nhà vua đã nhiều lần lệnh cho dân chúng ở phía Bắc sông Gianh (vốn là đất châu Bắc Bố Chính, ranh giới của triều Lê Trịnh thuộc Bắc Hà cũ) thay đổi thường phục (áo mũ) như người Nam Hà, để được thống nhất và tạo thành những tập quán ăn mặc theo phong cách y quán [áo mũ] có từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.

            Sự kiện ban hành sắc lệnh thống nhất y quán, tương đồng về phong hóa trong toàn cõi nước Việt do hoàng đế Minh Mạng ban hành, được ghi chép rõ tại sách Đại Nam thực lụcKhâm định Đại Nam hội điển sự lệ, và đặc biệt là những quy định cụ thể, thể hiện mối dây liên hệ rõ ràng về thường phục mà Thánh Tổ Nhân Hoàng đế (vua Minh Mạng) lệnh ban cải đổi toàn quốc, với thường phục do chúa Nguyễn Phúc Khoát (Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế của triều Nguyễn) ban hành cho nam nữ xứ Nam Hà.

            Sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 78: Y quán (áo mũ) , mục “Mũ áo nhân dân” có đoạn:

            “[Minh Mạng năm thứ 8 [1827]… “Lại xuống dụ: cứ Trấn thần Nghệ An tâu: Nay nam bắc một nhà, cùng chung phong hóa, duy sĩ dân trong hạt về khoản áo mặc còn vẫn noi theo thói cũ, kiểu màu khác nhau. Xin đổi định lại để cho dân phong được nhất trí…vân vân. Thì đã sắc xuống cho đình thần bàn: Mọi người nói: vương giả giáo hóa dân cốt phải làm cho phong tục dân đồng đều cùng một loạt, hạt ấy xin đổi lại khoản áo mặc đành chuẩn y cho. Nhân nghĩ đến nhà nước ta, cõi đất hợp làm một, văn hóa cùng nhau, há nên có việc làm và quy chế khác nhau. Nhưng một phen đổi lại sức dân có khi không đều, thì sự nhu cầu về may mặc cũng nên gia hạn cho hàng năm, hàng tháng.

            Vậy trấn thần các người, đều nên thông sức cho sĩ dân trong hạt: phàm kiểu mẫu áo mặc đều theo kiểu mẫu từ Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn định đến sau ngày mồng một tháng Giêng năm Minh Mạng thứ 10 [1829], nhất tề đổi lại cả để nêu nghĩa “vâng theo phong hóa”….”[31]

            Với người dân ở xứ Nam Hà cũ (từ Nam sông Gianh trở vào), những sắc lệnh của triều đình về việc ăn mặc áo quần dài theo phong cách của triều Võ vương là điều thuộc về tập quán xứ này, nên rất dễ thực hiện. Nhưng, đối với người Bắc Hà cũ, sắc lệnh của vua ban thực sự khó thi hành trong ngày một ngày hai (khác biệt rõ ràng với tập tục mặc váy, áo tứ thân của phụ nữ Bắc Hà và mặc quần đóng khố… của đàn ông Bắc Hà). Bởi vậy, mặc dù triều đình liên tục ban sắc lệnh thay đổi y phục để thống nhất cách ăn mặc trong nước, nhưng sau hơn 10 năm (Từ năm Minh Mạng thứ 8 [1827] đến Minh Mạng thứ 18 [1837], những lệnh ban của hoàng đế Minh Mạng về việc cải đổi thường phục để phong hóa hợp hòa của quốc gia vẫn là điều rất khó thực hiện. Điều đó thể hiện rõ trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, với đoạn:

            “Minh Mạng năm thứ 18, xuống dụ: Trước kia, cho rằng áo mặc từ Sông Gianh trở ra ngoài, vẫn thói hủ lậu, đặc biệt xuống dụ cho đổi theo áo mặc như từ Quảng Bình trở vào Nam, để tỏ ra cùng một phong tục, lại cho kỳ hạn rộng rãi, để cho thong thả may mặc. Thế mà từ năm Minh Mệnh thứ 8 đến nay đã qua 10 năm, vẫn nghe thấy nông phu và đàn bà thôn quê ở quãng ngoài có nhiều người cứ theo thói cũ, chưa đổi. Về trách nhiệm thực là ở quan địa phương, xong việc thì quên ngay, không chịu ngày ngày khuyên bảo thêm cho nên đến nỗi thế.

Vậy truyền cho Đốc phủ, Bố, Án, Thượng ty từ Hà Tĩnh trở ra Bắc, đều nên dốc lòng khuyên dụ dân hạt, bảo cho biết hiện nay cõi đất hợp làm một, há nên Nam Bắc phong tục khác nhau, huống chi từ Quảng Bình trở vào Nam đều theo thể chế nhà Hán, nhà Minh, mũ áo, áo quần chỉnh tề như thế, so với người miền Bắc, con trai đóng khố, đàn bà thì trên mặc áo giao lĩnh, dưới mặc váy, đẹp xấu chẳng rõ rệt dễ thấy ư? Sao có kẻ đã theo tục tốt, mà cũng có kẻ cứ quen tục cũ lỗi thời chưa đổi, há chẳng là đại ý cố tâm cố trái, can phạm tội lệ, khiến cho đều nhận biết minh bạch. Vậy hạn cho trong năm nay, cần phải nhất luật thay đổi cả, và khi sang năm mới, nếu vẫn còn theo thói cũ không đổi, tức thì trị tội nặng.

Quan địa phương, các ngươi là đại viên giữ việc chăn dân, nếu không khéo giáo hóa dẫn dụ, khiến cho đổi thói hủ lậu, để làm tục tốt, thì về trách nhiệm vẫn khó rộng tha được, cũng không được dung túng cho kẻ nha lại, tạo sự hống hách, để đến nỗi chiêu tới hương thôn, một khi việc đã phát giác, quyết khó chối lỗi được.”[32].

Những thông tin trên từ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (sách Đại Nam thực lục chính biên cũng tương tự) cho thấy rằng việc thay đổi tập quán ăn mặc theo kiểu Nam Hà (từ Quảng Bình vào Nam) đối với dân chúng Bắc Hà xưa không hề dễ dàng.

Tuy nhiên, căn cứ vào những ghi chép khái lược đó ở Đại Nam thực lụcKhâm định Đại Nam hội điển sự lệ, chúng ta đã khẳng định được bắt đầu từ triều vua Minh Mạng, việc thống nhất y quán (áo mũ) thường phục của đất nước ta theo hình mẫu áo mũ truyền thống “từ Quảng Bình vào Nam” có từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát đã được vua Minh Mạng đưa vào định lệ, liên tục ban bố và chỉ sai quyết liệt, nhằm “thống nhất phong hóa”. Mặc dầu vậy, thông tin trên phần nào cũng chỉ giúp cho chúng ta hình dung được đấy là “cho đổi theo áo mặc như từ Quảng Bình trở vào Nam, để tỏ ra cùng một phong tục” và không được phép mặc kiểu “quen tục cũ lỗi thời” theo hình thức “người miền Bắc, con trai đóng khố, đàn bà thì trên mặc áo giao lĩnh, dưới mặc váy” mà thôi; chứ chưa có những quy định về hình mẫu cụ thể về “áo mặc như từ Quảng Bình trở vào Nam” là y phục có đặc trưng thế nào?!

Rất may mắn là những thắc mắc về đặc trưng y phục (thường phục) từ “Quảng Bình vào Nam” được hoàng đế Minh Mạng áp dụng cho toàn quốc, cũng như các cấm lệ của triều đình ban bố trong việc ăn mặc của dân chúng thời bấy giờ … được chính thư tịch Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục, mục Thánh Tổ Nhân Hoàng đế kỷ giải thích khá rõ, với đoạn văn:

Ảnh 21: Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục,
mục Thánh Tổ Nhân Hoàng đế kỷ, tờ 75a, ký hiệu: ký hiệu: R.1676, TVQG Việt Nam

Phiên âm:

Hựu định y phục chi chế: cấm nam nhân bất đắc đái khố, nữ nhân bất đắc bị thường kiêm tứ thân chi y. Tịnh dụng quần chân dữ ngũ thân chi y (tục hiệu “quần chân áo chiết/chít” thủy thử ) dĩ tòng Hiếu Võ Hoàng đế tích niên tại Thuận Hóa nhật chi lệnh [Lệnh quốc trung nam nữ tịnh trước nhu bào, xuyên thường, triền cân, cập lư xá lược như Minh Thanh chế, tận cách Bắc Hà cựu tập]. Nam quốc chi y phục, nam bắc ư thị đồng phong, úy nhiên vi văn vật y quán chi quốc hĩ.

Dịch nghĩa:

Lại quy định về chế độ y phục: cấm đàn ông không được mang khố, đàn bà không được mặc váy (xiêm) và áo tứ thân. [Dân chúng] đều phải dùng quần chân [quần 2 ống chân] và áo [dài] ngũ thân (tục gọi là “quần chân áo chiết/chít” bắt đầu vào lúc này). Ấy là noi theo mệnh lệnh [cải đổi y phục] do Thế Tông Hiếu Võ hoàng đế [chúa Nguyễn Phúc Khoát] ban hành tại Thuận Hóa năm xưa (tức là [chúa Nguyễn Phúc Khoát điều lệnh cho nam nữ trong nước [toàn cõi Nam Hà] đều mặc áo khoác ngắn mỏng (nhu bào), quần ống xuyên (xuyên thường), vấn khăn đội đầu (triền cân); cùng nhà cửa đại để như thể chế Minh Thanh, để triệt để tách hẳn khỏi tập tục [ăn mặc] cũ của Bắc Hà] ). Y phục của nước Nam [lúc này] phong tục Nam Bắc ấy trở nên đống nhất, rỡ ràng là một quốc gia văn vật áo mũ vậy./.

***

Đây là cứ liệu hữu ích, bổ khuyết rõ rệt thêm cho thường phục “áo dài” ngũ thân truyền thống với kiểu cách riêng có thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, và được vua Minh Mạng dùng làm định chế, áp dụng cho dân chúng toàn quốc. Đó chính là loại “đoản y trách tụ”, “nhu bào”, “quần chân áo chiết/chít”, “áo ngũ thân” gọn gàng mà không kém phần thanh nhã, do chúa Nguyễn Phúc Khoát châm chước về các loại hình y quán xưa để định lệ, tạo nên một nét riêng độc đáo trong truyền thống y phục người Việt ta, không hề giống với bất kỳ một quốc gia lãnh thổ nào (mặc dù nhìn thoáng qua thì có thể có một số nét tương đồng nhất định, như loại áo mỏng, tay hẹp, chít eo, đeo thắt lưng, quấn mũ vấn tròn đầu… thì các dân tộc du mục thường dùng, hoặc kể cả trong thường phục của các triều đại Nguyên, Minh, Thanh… đều ít nhiều có loại trang phục tay hẹp, bóp eo như vậy. Và đó là điều tất yếu, xét trong sự giao thoa văn hóa, lịch sử đương thời).

Đó là thường phục áo dài ngũ thân truyền thống của Việt Nam ta, với đặc tính áo mỏng một lớp, xẻ 2 tà (dùng bằng vải lụa hay các loại vải mỏng cụ thể, tùy vào từng gia tộc, từng điều kiện kinh tế…), cánh tay bóp hẹp gọn gàng, áo chiết/chít eo, có thể dùng đai lưng để đeo, khăn vấn tròn đầu, áo dài đến khoảng đầu gối (nên gọi đoản y 短衣 – theo nghĩa của nhu bào 襦袍, tức áo khoác/ choàng ngắn đến đầu gối, để phân biệt với áo Hán phục tay áo rộng, chiều dài áo phủ đến mắt cá, hoặc phủ đến gót chân).

Thiết nghĩ, đặc tính áo dài ngũ thân “xẻ hai tà” được chế định vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát hẳn nhiên là một trong những đặc điểm tiêu biểu “nhận dạng” đặc trưng so với các loại trang phục khác (như áo tứ thân của phụ nữ Đàng Ngoài, hay áo sườn xám của triều Mãn Thanh-Trung Quốc), được văn thần Lê Quý Đôn gián tiếp xác nhận tại Phủ biên tạp lục, đó là đoạn văn nói về lệnh ban cấm phụ nữ Đàng Trong mặc áo xẻ hai tà của chính quyền Lê Trịnh khi vào Tiếp quản Thuận Hóa:

“… Năm Bính Thân [1776], mùa xuân, đặt nha môn Trấn phủ; tháng 7 [Lê Quý Đôn] mới hiểu dụ rằng: “Y phục bản quốc có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục. Nay kính vâng thượng đức, dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục phải nên thống nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người Khách [Trung Quốc] thì nên đổi theo thế chế của nước nhà. Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải lụa, duy có quan chức thì mới cho dùng xen the là trừu đoạn, còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng thì nhất thiết không được quen thói cũ dùng càn. Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không xẻ mở…”[33].

Đoạn trên cho thấy, sau khi vào tiếp quản Thuận Hóa, Lê Quý Đôn đã lệnh buộc dân chúng Đàng Trong bỏ mặc áo quần kiểu người Khách (người Trung Quốc), lại không được dùng những vật liệu xa xỉ như xen the trừu đoạn, gấm vóc và các thứ hoa văn rồng phượng… Chính quyền Lê Trịnh chỉ cho phép nam nữ xứ Nam Hà mặc áo cổ đứng ngắn tay, áo thì từ nách trở xuống phải khâu kín liền nhau, không được xẻ mở.

Các quy định này của chính quyền Lê Trịnh ban hành ở xã hội Đàng Trong từ 1776 trở đi, trên thực tế không rõ đạt đến hiệu quả nào trong tập quán ăn mặc của người dân Thuận Quảng; Chỉ biết rằng, đến lúc vua Minh Mạng của triều Nguyễn ban hành thánh dụ, lệnh cho người từ Bắc Bố Chính xưa trở ra Bắc ăn mặc theo phong cách áo quần phổ biến của dân chúng Đàng Trong thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, thì đã rõ là dân cư từ nam sông Gianh vào Nam vẫn thường xuyên duy trì kiểu ăn mặc gọn nhẹ, linh hoạt bằng áo dài ngũ thân xẻ tà, chiết eo, tay áo hẹp… có từ những năm Giáp Tý (1744) triều Võ vương Nguyễn Phúc Khoát.

3. Tạm kết

Trước xu hướng tôn vinh áo dài là quốc phục của quốc gia, chúng tôi nghĩ rằng nhất thiết cần làm rõ về lịch sử hình thành và biến đổi của chiếc áo dài được chính thức định hình từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát thông qua các nguồn cứ liệu lịch sử đáng tin cậy. Do vậy, ở bài viết này, trên cơ sở xâu chuỗi các tư liệu liên đới, chúng tôi trưng dẫn các sử liệu thực tế cũng như các hình ảnh tư liệu lịch sử, nhằm góp phần khẳng định nét riêng có, mang tâm hồn Việt của chiếc áo dài Việt, mà không lẫn vào bất cứ một loại hình y phục nào của các quốc gia, lãnh thổ trên thế giới.

Đồng thời, thông qua đó, chúng tôi xin khẳng định rằng Quốc chúa Nguyễn Phúc Khoát chính là người “khai sinh” ra chiếc áo dài ngũ thân truyền thống của nước ta. Kế thừa thành tựu đó, vua Minh Mạng chính là vị Hoàng đế đã ban hành định chế về thường phục, quy định thống nhất trong việc thay đổi trang phục trong nhân dân, lấy từ nền tảng chiếc áo dài ngũ thân thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Những quyết sách, định chế về trang phục ấy đã dần tạo nên một nếp ăn mặc, một tập quán về y phục áo dài ngũ thân trong xã hội Nam Hà thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738) trở đi, cũng như trong cộng đồng xã hội nước ta suốt gần 200 năm (từ 1827 đến nay).

Thời gian vừa qua, không chỉ các ý kiến của một số nhà nghiên cứu, độc giả trong nước đặt lại vấn đề “nguồn gốc của chiếc áo dài” (họ cho rằng chúa Nguyễn Phúc Khoát định chế ra chiếc…áo ngắn tay hẹp! ), mà ngay các trang mạng của Trung Quốc cũng có nhiều bài viết phổ biến trên cộng đồng, với lý luận áo dài Việt Nam là loại áo mô phỏng từ sườn xám (trường sam 長衫 hay còn gọi là kỳ bào 旗袍) của nhà Thanh, hoặc là mô phỏng từ áo quần triều Minh-Thanh… Trước những thông tin trái chiều đó, bài viết về nguồn gốc và đặc trưng của thường phục áo dài thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát của chúng tôi thiết nghĩ rất cần thiết, nhằm góp lên tiếng nói chính thức bằng những tư liệu trọng yếu, để khẳng định chắn chắn nét độc đáo riêng có, mang tâm hồn người Việt của áo dài ngũ thân truyền thống Việt Nam, mà tiền thân là thường phục nam nữ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Cũng từ đó, thiết nghĩ việc tôn vinh công lao định chế về trang phục “áo dài” vào năm 1744 của Thế Tông Hiếu Võ Hoàng đế – Nguyễn Phúc Khoát chính là việc làm rất đúng đắn của chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế. Đấy là nghĩa cử cao đẹp, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta, là truyền thống tốt đẹp của người Việt đối với công trạng của người xưa, lại vừa giúp khẳng định vị thế đặc trưng riêng có của áo dài Việt Nam, mà người Trung Quốc ít nhiều muốn phủ nhận./.

Huế, 16/08/2020

V.V.Q

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

  1. Lê Quý Đôn (1959), Phủ biên tạp lục (Bản dịch Ngô Lập Chí, Đại học Tổng hợp Hà Nội – cảo bản), do Đỗ Huy đánh máy, upload lên các trang mạng từ 2009, trích từ: https://www.maxreading.com/sach-hay/phu-bien-tap-luc/quyen-vi-noi-ve-tho-san-40024.html
  2. Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục tập 2 (bản dịch của Lê Xuân Giáo), Quốc vụ khanh Đặc trách văn Hóa xuất bản, SG
  3. Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục (thuộc bộ Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1 – Viện Sử học dịch), Nxb Khoa học Xã Hội, HN
  4. Lê Quý Đôn (2018), Phủ biên tạp lục (Trần Đại Vinh dịch), Nxb Đà Nẵng
  5. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục撫邊雜錄 (Q.1-2, Hán văn), Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu R.1605
  6. Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục撫邊雜錄 (Q.5, Hán văn), Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu R.1606
  7. Trịnh Hoài Đức (1998), Gia Định thành thông chí (Đỗ Mộng Khương, Nguyễn ngọc Tỉnh dịch), Nxb Giáo Dục, Hà Nội
  8. Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế Giới – Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam, HN
  9. Nội các Triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, tập 6 (bản dịch Viện Sử học), Nxb Thuận Hóa, Huế
  10. Tô Xuyên tử Lý Văn Phức, Giản Đức tử, Trứ Quang tử Nguyễn Công Trứ, Tài Đức tử (biên tu), Dã sử lược biên, Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục埜史略編大越國阮朝寔錄, quyển 8-10 (Hán văn), Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu: R.1676
  11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục tập 1 (bản dịch Viện Sử học), Nxb Giáo Dục, HN
  12. Đoàn Thị Tình (1987), Tìm hiểu Trang phục Việt nam (dân tộc Việt), Nxb Văn hóa, Hà Nội
  13. Đoàn Thị Tình (2006), Trang phục Việt nam (Vietnam Costumes through the ages), Nxb Mỹ Thuật, HN
  14. Trịnh Quang Vũ (2008), Trang phục triu Lê Trịnh, Nxb Từ điển Bách khoa, HN
  15. 王圻 – 王思義輯(明) (1609),三才圖繪, P. 08. 衣服(Q.62-64), link: https://www.shuge.org/ebook/san-cai-tu-hui/
  16. 商务印书馆編輯部 (1998年), 辞源 (修訂本), 北京商务印书馆

*Bài viết trên các trang báo, mạng online gồm:

  1. Minh Tự – Nhật Linh,  “Có đúng là chúa Nguyễn Phúc Khoát khai sinh áo dài Việt Nam?”, Tuổi trẻ online,  link: https://tuoitre.vn/co-dung-la-chua-nguyen-phuc-khoat-khai-sinh-ao-dai-viet-nam-20200726213306063.htm
  2. Từ điển Phật học ở https://www.phatgiao.org.vn
  3. Hán điển: https://www.zdic.net/hans/%E7%9F%AD%E8%A1%A3
  4. Từ điển Trung Việt: https://vtudien.com/trung-viet/dictionary/nghia-cua-tu-%E7%9F%AD%E8%A1%AB
  5. Mục từ “Hồ phục” 胡服 tại link: https://www.sohu.com/a/348972953_523187
  6. Mục từ “Hồ phục” 胡服 tại link: https://m.baike.com/wiki/%E8%83%A1%E6%9C%8D?baike_source=innerlink
  7. Mục từ “Hồ phục” 胡服 tại link: https://news.artron.net/20180924/n1025125.html
  8. Mục từ “Hồ phục” 胡服 tại link: https://vitomag.com/zhs/fashion/dqobf.html

* TS, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế


CHÚ THÍCH:

[1] Đoàn Thị Tình (1987), Tìm hiểu Trang phục Việt nam (dân tộc Việt), Nxb Văn hóa, Hà Nội

[2] Đoàn Thị Tình (2006), Trang phục Việt nam (Vietnam Costumes through the ages), Nxb Mỹ Thuật, Hà Nội

[3] Trịnh Quang Vũ (2008), Trang phục triu Lê Trịnh, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội

[4] Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ (Lịch sử trang phục Việt Nam giai đoạn 1009-1945), Nxb Thế Giới – Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, Hà Nội.

[5] Bên cạnh các ý kiến cá nhân của một số người trong và ngoài nước trên các trang mạng (mã nguồn mở), thì bài viết “Có đúng là chúa Nguyễn Phúc Khoát khai sinh áo dài Việt Nam?” của các tác giả Minh Tự – Nhật Linh biên soạn, đăng trên trang web của báo Tuổi trẻ (online) vào 06h09’ ngày 27/07/2020, link: https://tuoitre.vn/co-dung-la-chua-nguyen-phuc-khoat-khai-sinh-ao-dai-viet-nam-20200726213306063.htm . Đây là cách đặt vấn đề thú vị, dựa trên một số ý kiến phản biện tại Hội thảo Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam do Sở Văn hóa Thể thao Thừa Thiên Huế tổ chức (ngày 08 tháng 07 năm 2020). Để giải đáp các thắc mắc đó, chúng tôi xin cung cấp những tư liệu liên quan đến y phục (ở đây tập trung vào loại Thường phục) thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát – tiền thân của chiếc áo dài ngũ thân.

[6] Bản Hán văn (ảnh dưới) viết nhầm thành Từ Hàng 慈航, chúng tôi điều chỉnh lại là Từ Tế 慈濟

[7] Trung triu 中朝 ở đây là triều đình Trung ương, tức chỉ triều Lê Trịnh ở Thăng Long (Hà Nội).

[8] Ưu Đàm khai hoa chi thụy優曇開花之瑞: điềm lành Ưu Đàm nở hoa. Cây này không phải là “cây sung/ cây bồ đề” như một số bản dịch Phủ biên tạp lục đã chuyển dịch. Hoa Ưu Đàm優曇: từ gọi tắt của hoa Ưu Đàm Bạt La (s: udumbara, udumbara, p: udumbara, 優曇跋羅), hay Ô Đàm Bát La Hoa (烏曇盋羅花), Ô Đàm Bát La Hoa (鄔曇鉢羅花), Ưu Đàm Ba Hoa (優曇波花), Ưu Đàm Hoa (優曇花), Uất Đàm Hoa (鬱曇花);là loại thực vật có hoa ẩn tàng thuộc khoa Dâu, tên khoa học là Ficus glomerata. Kinh Pháp Hoa Văn Cú 法華文句 nói rằng: “Ưu Đàm Hoa giả, thử ngôn Linh Thoại, tam thiên niên nhất hiện, hiện tắc Kim Luân Vương xuất (優曇花者、此言靈瑞、三千年一現、現則金輪王出, Hoa Ưu Đàm, gọi là Linh Thoại, ba ngàn năm mới xuất hiện một lần, hiện tất Kim Luân Vương ra đời). Hoa Ưu Đàm là loại hoa ngàn năm mới nở một lần; cho nên nó có mùi thơm tuyệt diệu hơn tất cả loài hoa khác. Trong chiêm tinh bói toán, người ta thường xem giấc mộng Hoa Ưu Đàm là có đim lành. Như trong Uyên Giám Loại Hàm 淵鑑類函có đoạn: “T Cảnh Lăng Vương Tử Lương, đốc tín Thích thị, Võ Đế bất dự, Tử Lương khải tấn Sa Môn ư điện tin tụng kinh, Võ Đế cảm mộng, kiến Ưu Đàm Bát Hoa ư Tử Lương án (齊竟陵王子良、篤信釋氏、武帝不豫、子良啟進沙門於殿前誦經、武帝感夢、見優曇缽花於子良案, vua Cảnh Lăng Vương nhà Tề tên Tử Lương, thâm tín Phật pháp, Võ Đế chẳng vui lòng; Tử Lương cung thỉnh Sa Môn tụng kinh trước điện; Võ Đế cảm ứng mộng thấy Hoa Ưu Đàm nơi án của Tử Lương).” (Lược trích theo bài viết ở mục Ưu đàm hoa trên trang https://www.phatgiao.org.vn link: https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/dam-hoa-k3818.html/p1?keys=m)

[9] Tiếm hiệu xưng vương 僭號稱王: lạm quyền (giả dối) xưng tôn hiệu (niên hiệu) của Đế vương. Đây là thành ngữ xuất xứ từ sách Hán thư 漢書, mục Dương Hùng truyện hạ 揚雄傳下: “Chư Nho hoặc cơ dĩ vi Hùng phi Thánh nhân nhi tác kinh, do Xuân Thu Ngô Sở chi quân tiếm hiệu xưng vương, cái tru tuyệt chi tội dã” 諸儒或譏以為雄非聖人而作經,猶春秋吳楚之君僭號稱王,蓋誅絕之罪也 (Các nhà nho quở trách Dương Hùng không phải là thánh nhân mà làm Kinh, cũng như vua các nước Ngô, Sở đời Xuân Thu tiếm hiệu xưng vương, đều đáng tội chết đấy)

[10] Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục 撫邊雜錄 (Hán văn), Thư viện quốc gia Việt Nam, ký hiệu: R.1606, tờ 71a-b

[11] Trung đô 中都: một cách gọi khác Kinh sư  京師 (Kinh đô 京都, Đô thành 都城 ở Trung tâm của đất nước – hay còn gọi là Trung ương). Sách Sử ký史記, quyển 30: Bình Chuẩn thư  平準書 của Tư Mã Thiên (đời Hán)  có câu: “Tào chuyển Sơn Đông túc, dĩ cấp Trung đô quan”「漕轉山東粟,以給中都官」(Tàu vận chuyển thóc ở Sơn Đông đem cấp phát cho quan viên ở Đô thành)

[12] Quản bộ 管部: các chức quan quản lý các Bộ (năm 1744,sau khi xưng vương, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã đổi Tam ty thành Lục bộ )

[13] Chiêm hậu 占候: quan coi thiên văn, xem khí hậu .

[14] Tam tài đồ hội三才圖繪: tên sách của hai cha con Vương Kỳ 王圻 và Vương Tư Nghĩa王思義 vẽ soạn vào năm Vạn Lịch thứ 35 (1607), và hai năm sau (1609) thì xuất bản, công bố. Toàn sách có 106 quyển, ghi chép 14 chủ đề khác nhau với nhiều hình vẽ bản đồ, phản ánh thế giới quan tổng quát triều Minh. Mục Y phụcTam Tài đồ hội thuộc chủ đề 8, gồm 3 tập (từ tập 62 đến 64). Tại Nhật Bản, vào thời kỳ Edo, năm 1712, một bác sĩ từ Osaka tên là Terajima Ryōan (寺島良安) đã xuất bản cuốn Wakan Sansai Zue (和漢三才図会 Hoà Hán Tam Tài Đồ Hội) gồm 105 tập thuộc 81 quyển, dựa theo Tam tài đồ hội của triều Minh và biến cải để phù hợp với Nhật Bản. Điều đó chứng tỏ sách Tam tài đồ hội có ảnh hưởng khá lớn đối với các nền văn hóa Đông Á.

Với Đàng Trong, chúa Nguyễn Phúc Khoát lệnh cho bề tôi tham chước phần y phục, áo mũ ở Tam tài đồ hội (quyển 62-64) để chế tác ra các loại trang phục dùng trong cung đình (triều phục, vương phục, quan phục…) chứ Tam Tài đồ hội của Vương Kỳ không ghi chép các mẫu thức Thường phục dùng cho nhân dân. Bởi vậy, việc nhận thức về câu văn ở trên cần phân biệt rạch ròi các hàm nghĩa (Tam Tài đồ hội là mẫu thức dùng cho các trang phục cung đình nhà Minh, không hề có mẫu thức dùng cho áo mũ của dân thường nói chung – tức về Thường phục thì không được thể hiện ở Tam tài đồ hội).

[15] Riêng bản Phủ biên tạp lục của Nguyễn Khắc Thuần thì lấy gần như nguyên vẹn bản Phủ biên tạp lục của Quốc vụ khanh Đặc trách văn hóa ở Sài Gòn (1972- 1973), nên chúng tôi không trích dẫn.

[16] Lê Quý Đôn (1959), Phủ biên tạp lục (Bản dịch Ngô Lập Chí, Đại học Tổng hợp Hà Nội – cảo bản), do Đỗ Huy đánh máy, upload lên các trang mạng từ 2009, trích từ: https://www.maxreading.com/sach-hay/phu-bien-tap-luc/quyen-vi-noi-ve-tho-san-40024.html

[17] Lê Quý Đôn (1972), Phủ biên tạp lục tập 2 (bản dịch của Lê Xuân Giáo), Quốc vụ khanh Đặc trách văn Hóa xuất bản, SG, tr.409.

[18] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục (thuộc bộ Lê Quý Đôn toàn tập, Tập 1 – Viện Sử học dịch), Nxb Khoa học Xã Hội, HN, tr.334. Bản dịch Phủ biên tạp lục, tái bản của Viện Sử học (Nxb Văn hóa Thông tin, HN năm 2007, phần nói về áo mũ này ở trang 429)  có nội dung trùng khít với bản 1977.

[19] Trần Quang Đức (2013), Ngàn năm áo mũ, Nxb Thế Giới – Công ty văn hóa truyền thông Nhã Nam, HN, tr.258-259

[20] Lê Quý Đôn (2018), Phủ biên tạp lục (Trần Đại Vinh dịch), Nxb Đà Nẵng, tr.292

[21] Tiếp biến 鞢𩎃: một loại dải thắt lưng (thắt eo) có đính trang sức, buộc ràng rịt quanh eo để tiện cưỡi ngựa. cũng viết tiếp thiếp « 䩞鞢»

[22] Tát Đô Thứ 薩都剌 (1272-1355): tên tự là Thiên Tích天錫, hiệu Trực Trai 直齋 là nhà thơ, nhà thư pháp, họa sĩ nổi tiếng triều Nguyên.

[23] Link: https://www.zdic.net/hans/%E7%9F%AD%E8%A1%A3

[24] Sách ẩn索隱: chú thích và khảo chứng về các ý nghĩa ẩn tàng trong thư tịch, văn ngôn cổ; Theo đó, các nhà nghiên cứu, diễn giả thực hiện những phần nghiên cứu sâu về các đạo lý, nghĩa lý được ẩn giấu sâu xa trong ngôn ngữ cổ. Đây là thuật ngữ xuất xứ từ Kinh Dịch 易經, thiên Hệ Từ Thượng 繫辭上: “Thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn” 「探賾索隱,鉤深致遠」(Nghĩa là: Dò xét ở chỗ thâm u, tìm tòi cái ẩn giấu, thấu chỗ sâu kín, tìm tòi được cái xa thẳm)

[25] Xin xem cụ thể “Sấn sam” 襯衫 (Shirt) tại đây : https://zh.wikipedia.org/wiki/%E8%A5%AF%E8%A1%AB

[26] Để tra cứu các mục từ này, chúng ta có thể truy cập vào phần Từ điển Trung Việt (link: https://vtudien.com/trung-viet/dictionary/nghia-cua-tu-%E7%9F%AD%E8%A1%AB ) và đánh mục từ cần tra.

[27] Căn cứ để chúng tôi nêu đặc trưng về loại áo thường phục thời chúa Nguyễn Phúc Khoát là áo xẻ 2 tà, chính từ đoạn ghi chép phần sắc lệnh do Chính quyền Lê Trịnh ban hành khi Lê Quý Đôn vào tiếp quản, cai trị Đàng Trong: “Năm Bính Thân [1776], mùa xuân, đặt nha môn Trấn phủ; tháng 7 [Lê Quý Đôn] mới hiểu dụ rằng: “Y phục bản quốc có chế độ, địa phương này từ trước cũng chỉ tuân theo quốc tục. Nay kính vâng thượng đức, dẹp yên cõi biên, trong ngoài như nhau, chính trị và phong tục phải nên thống nhất. Nếu còn có người mặc quần áo kiểu người Khách [Trung Quốc] thì nên đổi theo thế chế của nước nhà. Đổi may y phục thì theo tục nước mà thông dụng vải lụa, duy có quan chức thì mới cho dùng xen the là trừu đoạn, còn gấm vóc và các thứ hoa rồng phượng thì nhất thiết không được quen thói cũ dùng càn. Thường phục thì đàn ông đàn bà dùng áo cổ đứng ngắn tay, cửa ống tay hoặc rộng hoặc hẹp tùy tiện. Áo thì từ hai bên nách trở xuống phải khâu kín liền không xẻ mở…” (Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục (Viện Sử học dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, HN, tr.429) . Việc ban bố lệnh cấm người Đàng Trong không được mặc áo xẻ 2 bên nách, mà phải khâu kín liền chứng tỏ bấy giờ (1776), y phục của dân chúng xứ Nam Hà phổ biến trang phục (thường phục) áo xẻ 2 tà. Đấy chính là một trong những đặc trưng tiêu biểu.

[28] Cánh thủy更始: bắt đầu cuộc đổi mới. Sách Hán thư, quyển 6- [Hán] Vũ đế kỷ《漢書.卷六.武帝紀》 có đoạn: “dĩ xá thiên hạ, địch trừ dữ chi cánh thủy” 「已赦天下,滌除與之更始」(đã ân xá cho toàn thiên hạ, quét sạch [những tàn tích cũ] cùng dân một phen đổi mới)

[29] Nhu bào  襦袍: được giải thích là “sấn lí bào tử” 衬里袍子: áo choàng mỏng, ngắn [ngang đầu gối, ngắn hơn trường bào 長袍] với một lớp áo mỏng (sấn lí 衬里: là lớp vải lót bên trong khi may quần áo).

Từ điển Từ nguyên (bản Tu đính, 1998, tr.2838) giải thích Nhu 襦 có nghĩa: “đoản y, đoản áo. Phục ư đơn sam chi ngoại.” 短衣,短襖。服於單衫之外 (nghĩa là: Nhu襦 là loại áo dài kiểu ngắn, vải mỏng [thường dùng làm áo lót trong]. Đây là loại áo nằm ở bên ngoài áo sam (áo đơn). Bào袍: ở đây là bào tử 袍子, loại áo choàng (áo khoác ngoài) với phần eo thẳng và dài quá đầu gối.

[30] Kỷ 紀: ở đây là bổn kỷ 本紀, là một loại Thể lệ Sử thư 體例史書 (thể lệ biên chép sử) do sử quan biên soạn, dưới sự chỉ đạo của Hoàng đế, nhằm để ghi chép về lịch sử của từng vị Hoàng đế cụ thể. Loại  kỷ紀 hay bổn kỷ本紀 này xuất xứ từ cách chép Sử ký史記 của Tư Mã Thiên đời Hán, với cách chia từng KỶ (Như: Ngũ đế bổn kỷ五帝本紀, Tần Thủy Hoàng bổn kỷ秦始皇本紀…

[31] Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ , tập 6 (Viện Sử học dịch), Nxb Thuận Hóa, tr.215-216

[32] Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ , tập 6, sđd, tr.217

[33] Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục (Viện Sử học dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, HN, tr.429

Bình luận về bài viết này