THẨM THẬN HẦU HỒ HỮU THẨM VÀ HỌ HỒ (NHÁNH 4) LÀNG NGUYỆT BIỀU

Võ Vinh Quang*

Mấy năm qua, nhờ duyên lành kết nối với quý bác Hồ Xuân Thiên, Hồ Xuân Diên và họ Hồ làng Nguyệt Biều, tôi đã cùng một số anh em khảo sát, thu thập các nguồn dữ liệu, thông tin tư liệu của các nhành, phái, tộc họ Hồ làng Nguyệt Biều; rồi sau đó là sao chụp, tìm hiểu thông tin về chư tộc họ Hồ (thất tộc: Hồ Tống, Tống Hồ, Hồ Đăng, Hồ Văn…) ở làng Hương Cần, để tiếp tục nghiên cứu. Trong thời gian đó, tôi cũng đã công bố một số bài viết về danh nhân Hồ Quang Đại và họ Hồ làng Nguyệt Biều [ở tạp chí Sông Hương], Hồ Hữu Thẩm với công lao dẹp giặc biển Java [Hội thảo biển đảo 2019, do Hội KHLS tỉnh TTH tổ chức], rồi tiếp đó là bài viết “Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm và họ Hồ (nhánh 4) làng Nguyệt Biều” [Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển, Huế, số 1-2020] dưới đây. Tiếc là do một số nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, hay do một số tác động gì đó phía sâu xa [của ai đó!!!?!], nên phần nghiên cứu của tôi về Họ Hồ làng Nguyệt Biều – Hương Cần nay đang….khựng lại. Thiết nghĩ, mọi nghiên cứu của tôi vì đam mê, vì yêu quý và trân trọng những công đức của tiền nhân các đời, chứ chẳng phải vì ham danh hám của gì đó, thế nên, dẫu duyên bước đầu dừng lại nơi đây, song tôi cũng đã thấy khá là mãn nguyện. Nay, xin cùng chia sẻ và giới thiệu với quý vị bằng hữu toàn bài viết đăng ở Tạp chí Nghiên cứu Phát triển Huế, về Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm và họ Hồ (nhánh 4) làng Nguyệt Biều.


  1. Hồ Hữu Thẩm: sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp

Hồ Hữu Thẩm (?-1834) là hậu duệ đời thứ 10, nhánh 4 của họ Hồ khai canh làng Nguyệt Biều. Thủy tổ của ông ở đất Nam Hà là Tiến sĩ Hồ Minh,(1) năm Mậu Ngọ (1558) đã theo phò tá chúa Tiên vào trấn nhậm Thuận Hóa, có công khai phá và đóng góp sức lực, tài năng để dựng xây và bảo vệ xứ Đàng Trong ngày một vững mạnh, được triều đình nhà Nguyễn sắc ban làm nhân thần Khai canh đất Nguyệt Biều.

Đến đời thứ 5, họ Hồ đất Nguyệt Biều chính thức tách thành 6 nhánh từ sáu người con trai của tổ đời thứ 4 là ông Chữ Hồ Đình Ỷ (bao gồm: nhánh 1 là nhánh của ông Quận – Hồ Đình Câu; nhánh 2 của ông Miện; nhánh 3 của ông Đội; nhánh 4 của ông Châu; nhánh 5 của ông Đỏ và nhánh 6 của ông Gạo. Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm là hậu duệ trực hệ nhánh 4).

Một trong những công thần thuộc dòng tộc này là Phước Đức quốc sư, Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại (tổ đời thứ 6), bề tôi của chúa Nguyễn Phúc Tần, và là thầy dạy của hai vị chúa Nguyễn tiếp theo (Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu).

Hồ Hữu Thẩm xuất thân văn học, nhậm chức quan khởi đầu là Tri bạ [Nội] Đồ Gia, rồi làm Biện lý Nội Vụ phủ vào năm Minh Mệnh nguyên niên (1820).(2) Đến tháng 8 năm đó (1820), ông được bổ thêm chức Hộ Bộ Thiêm sự, vẫn biện lý công việc ở Nội Vụ phủ. Tháng 9 năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mệnh chuẩn bị Bắc tuần, “…sai Hoàng trưởng tử lưu kinh trông coi việc quân quốc; Chưởng Hữu quân Nguyễn Văn Nhân, Phó đô thống chế Hữu dinh quân Thần Sách Tôn Thất Bính, Thượng thư Hình Bộ Lê Bá Phẩm đều sung chức Lưu kinh đại thần; Quang lộc Tự khanh Nguyễn Đăng Tuân, Thiêm sự Hộ Bộ Hồ Hữu Thẩm, Thiêm sự Binh Bộ Vũ Hàm Chương đều hộ vệ ấn lưu kinh”.(3)

Đầu năm Giáp Thân (1824), Hồ Hữu Thẩm được điều động đi làm việc công ở trấn Quảng Ngãi. Sách Đại Nam thực lục chép: “…Vời thự Trấn thủ Quảng Ngãi là Trần Văn Đường về kinh. Lấy Thiêm sự Hộ Bộ Biện lý Nội Vụ phủ là Hồ Hữu Thẩm giúp coi công việc trấn Quảng Ngãi”.(4)

Tháng 3 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825), hạn hán ở nhiều nơi diễn ra gay gắt, dân tình khốn khổ, khiến triều đình phải ban hành chính sách giảm thuế để khoan sức dân. Riêng tại Quảng Ngãi là nơi Hồ Hữu Thẩm đang trấn nhậm do không khai báo kịp thời, nên ông cùng các viên quan ở trấn ấy bị nhà vua khiển trách. Về sự kiện này, Đại Nam thực lục có đoạn: “Các địa phương Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Bình Hòa đem án khám nạn hạn hán dâng lên. Vua sai Bộ Hộ bàn cho giảm thuế… Duy Quảng Ngãi vì dân không báo tai không xin khám, đến khi gặt hái xong mới đem sự tổn hại tâu lên, đặc cách cho giảm 5 phần 10 số thuế điền năm nay, số phải nộp thì cho xay gạo mà nộp. Trấn thần là Trần Văn Dưỡng, Hồ Tiến Hiệu, Hồ Hữu Thẩm đều phải phạt.”(5)

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy trong suốt 143 năm tồn tại của vương triều Nguyễn thì hơn 20 năm trị vì của Hoàng đế Minh Mệnh [Mạng] (1820-1840) là thời kỳ quân pháp cực kỳ nghiêm minh. Việc thưởng ban lẫn trách phạt khá rõ ràng cụ thể, đấy là lý do vì sao quan lại ở giai đoạn này thường xuyên bị giáng truất, hoặc bị điều đi công cán để chuộc lỗi, rồi khôi phục và bổ nhiệm lại chức vụ. Hồ Hữu Thẩm là thần tử khuông phò vua Minh Mệnh ở giai đoạn này, nên tất yếu sự nghiệp chính trường của ông cũng luôn biến động. Đợt bị trách phạt đầu năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) trên được coi là khởi đầu cho quá trình thăng giáng liên tục trên con đường quan chức của ông.

Đến tháng 6 cùng năm (1825), Hồ Hữu Thẩm tiếp tục bị giáng chức xuống làm Hàn Lâm Viện Thị giảng học sĩ. Sách Đại Nam thực lục cho biết: “[Tháng 6, năm Minh Mệnh thứ 6 (1825)]… Giáng Thiêm sự Biện lý trấn vụ Quảng Ngãi là Hồ Hữu Thẩm làm Hàn Lâm Viện Thị giảng học sĩ. Thẩm trước làm giám lâm Nội Nụ phủ, của kho có thiếu hụt, đến nay án thanh tra dâng lên, phải tội giáng bổ đi nơi khác”.(6)

          Tháng 7 năm Ất Dậu (1825) Hàn Lâm Viện Thị giảng học sĩ Hồ Hữu Thẩm lại được đổi làm Quang Lộc Tự Thiếu khanh kiêm quản lý Thiện ty [ty Ngự Thiện?]. Đến tháng 11 năm đó (1825) “…Lấy Thượng bảo Thiếu khanh Hoàng Quýnh làm Thượng bảo khanh, Hàn Lâm Viện Thị giảng học sĩ Hồ Hữu Thẩm làm Hồng Lô Tự khanh, thự Quang Lộc Tự khanh”.(7)

          Năm Bính Tuất niên hiệu Minh Mệnh thứ 7 (1826), tháng 9, Hồ Hữu Thẩm được bổ nhiệm chức thự Hữu Thị lang Bộ Lễ: Quang Lộc Tự khanh là Hồ Hữu Thẩm làm thự Hữu Thị lang Lễ Bộ, vẫn lĩnh Quang Lộc Tự”.[8]

          Tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), nhân Hoàng đế Minh Mệnh sắp tuần du phương Nam nên “…vua sai Hoàng trưởng tử lưu kinh coi giữ; Hữu Thống chế quân Thị trung là Trần Văn Cương, Thượng thư Lại Bộ là Trần Lợi Trinh, đều sung chức Đại thần lưu kinh; Thượng bảo khanh là Thân Văn Quyền, thự Tả Thị lang Lễ Bộ là Hồ Hữu Thẩm, đều sung chức Hộ lưu kinh ấn”.(9)

          Tháng 11 năm Đinh Hợi (1827), nhân tiết lễ “Lục tuần khánh thọ” (khánh thọ 60 tuổi) của Hoàng thái hậu (tức Thuận Thiên Cao Hoàng hậu Trần Thị Đang) được tổ chức hoàn mãn, nhà vua bèn “thưởng cho đường quan Lễ Bộ là Phan Huy Thực, Đoàn Viết Nguyên, Hồ Hữu Thẩm, Hà Quyền, kỷ lục đều 1 thứ, cùng thưởng bạc lạng cho các viên dịch ở bộ theo thứ bậc”.(10)

          Tháng Giêng năm Mậu Tý niên hiệu Minh Mệnh thứ 9 (1828), Hồ Hữu Thẩm được thăng làm Tả Thị lang Bộ Lễ. Đến tháng 8 cùng năm, “làm duyệt tuyển ở bốn trấn Biên Hòa, Phiên An, Vĩnh Thanh, Định Tường thuộc thành Gia Định (Hà Tiên phụ vào tuyển trường Vĩnh Thanh). Sai Trấn thủ Hà Tiên là Mạc Công Du, Tả Thị lang Lễ Bộ là Hồ Hữu Thẩm, Trấn thủ Biên Hòa là Nguyễn Hữu Thuyên, thự Hữu Tham tri Binh Bộ lĩnh Binh tào thành Gia Định là Hoàng Văn Diễn, Trấn thủ Phiên An là Phạm Văn Châu, Hữu Thị lang Hình Bộ lĩnh Hình tào thành Gia Định là Nguyễn Bá Uông, Vệ úy vệ Hổ Lược là Nguyễn Lương Huy, Hiệp trấn Phiên An là Bùi Đức Mân, chia nhau đi làm việc ấy”.(11)

Tháng Chạp năm Mậu Tý (1828), Hồ Hữu Thẩm đang là Tả Thị lang Bộ Lễ, được triều đình cử ra trấn nhậm ở Cam Lộ, nhưng chỉ vài ngày sau lại được triệu về kinh.

Tháng Giêng năm Kỷ Sửu niên hiệu Minh Mệnh thứ 10 (1829), Tả Thị lang Bộ Lễ là Hồ Hữu Thẩm làm Thị lang Vũ Khố vẫn kiêm quản Quang Lộc Tự. Đến tháng 2, ông được triều đình giảm bớt việc kiêm quản Quang Lộc Tự (giao cho Phan Huy Thực). Sách Đại Nam thực lục viết: “[Tháng 2 năm Kỷ Sửu] Sai Hữu Tham tri Lễ Bộ là Phan Huy Thực kiêm quản Quang Lộc Tự, vì Hồ Hữu Thẩm làm việc ở Vũ Khố mỏi mệt không thể kiêm nhiếp được nên sai Thực thay”.(12) Tháng 4 năm Kỷ Sửu (1829), nhân có cuộc diễn trận voi ở trước Kinh thành, vua Minh Mệnh ra Sông Hương để xem, “Thị lang Vũ Khố là Hồ Hữu Thẩm sai tượng dịch buộc cọp để thử voi, buộc lỏng, hổ sổng ra, chạy gần đến thuyền vua. Quân ở thuyền đón đánh chết ngay. Vua nói:“Chính là câu: Để hổ hủy sổng cũi là lỗi ai?”. Xuống dụ nghiêm trách Thẩm phải tội cách lưu”.(13)

Qua đoạn Đại Nam thực lục chính biên trên, ta thấy lúc bấy giờ Hồ Hữu Thẩm cũng như nhiều viên quan triều đình thực tế kiêm nhiệm nhiều chức vụ. Ở đó, ngay trong chức phận của mình, nếu để sơ suất dẫu là chuyện nhỏ thì các quan viên sẽ bị trách phạt, thậm chí có những tội rất nặng.

Tháng Giêng năm Tân Mão, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831), vì viên Khố lại là Hoàng Hữu Nhẫn ở Vũ Khố làm ngắn bớt son bạc, việc bị phát giác, vua Minh Mệnh sai giết Hoàng Hữu Nhẫn, còn các viên chức ở Vũ Khố trong đó có Hồ Hữu Thẩm đều bị trị tội liên đới, “… còn Hồ Hữu Thẩm thì nghĩ ngươi theo đòi lâu ngày vẫn được sai khiến đến nay. Thế mà quá nghe Trần Tử Vân, Nguyễn Đăng Tín tả lôi hữu kéo không biết đường nào, đến nỗi cất nhắc kẻ kém, dung túng kẻ gian, mơ hồ mắt cá hạt châu, đáng lẽ phải trừng trị nặng, nhưng nghĩ tuổi đã già lại lòa điếc, chuẩn cho cách chức về dân”.(14)

Sáu tháng sau ngày bị cách hết chức tước, tháng 6 năm Tân Mão (1831), Hồ Hữu Thẩm lại được nhà vua cân nhắc khai phục, cho làm chức Hàn Lâm Viện Biên tu. Vua Minh Mệnh dụ Bộ Lại rằng: “Hồ Hữu Thẩm tuy vì ngu muội, mắc nhiều tội lỗi, song tính cũng hiền lành mộc mạc, không đến nỗi đã là người bỏ đi, nên liệu bổ cho một chức quan, để tỏ ý ta thương nhớ đến tôi tớ cũ ngày xưa”. Nguyễn Khoa Minh tâu: “Thẩm nay tuổi già, không kham được chỗ nhiều việc, có điều y là người hơi có văn học giá cho làm việc ở nơi văn hàn thì tưởng cũng thích hợp”. Vua bèn bổ cho Thẩm chức này”.(15)

Đến tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832), Hồ Hữu Thẩm được bổ chức Thị giảng, cùng Thân Văn Quyền sung chức Bạn độc với các hoàng tử. Tháng 9 năm Nhâm Thìn (1832), ông tiếp tục được thăng chức thự Đại Lý Tự Thiếu khanh.

Tháng Giêng năm Quý Tỵ (1833), triều đình bổ nhiệm Hồ Hữu Thẩm đi giữ chức Án sát Khánh Hòa. Đến tháng 8 cùng năm, vua Minh Mệnh truy cứu trách nhiệm của các viên quan ở các tỉnh hạt Nam Kỳ, Khánh Hòa, Phú Yên… vì thiếu nghiêm túc dạy bảo quân binh, khiến khi giao chiến với các toán giặc thì không hiệu quả, bấy giờ Hồ Hữu Thẩm bị liên đới nên giáng xuống hai cấp. Sách Đại Nam thực lục chính biên viết rằng: “Vua dụ Binh Bộ rằng: “Biền binh các tỉnh theo đi bắt giặc ở Nam Kỳ, gián hoặc có biền binh ở Khánh Hòa, thì quân giặc đến đánh Biên – Long, tự rút lui chạy trước, tỏ ra sợ hãi rụt rè; biền binh ở Phú Yên giao chiến với giặc ở Biên Hòa không hăng hái tiến lên, cũng là hèn nhát. Đó đều bởi chức Lãnh binh và quan tỉnh hạt ấy, lúc ngày thường không rèn luyện [quân lính] cho quen, không dạy bảo cho nghiêm túc mới đến nỗi thế. Vậy, Lãnh binh tỉnh Khánh Hòa là Trương Văn Trí phải giáng bốn cấp, thự Bố chính Nguyễn Văn Điển, Án sát Hồ Hữu Thẩm đều phải giáng hai cấp; Lãnh binh tỉnh Phú Yên là Nguyễn Hữu Vĩ phải giáng 3 cấp; thự Tuần phủ Nguyễn Công Liêu và Án sát Phùng Huy Giảng đều phải giáng 1 cấp“.(16)

Tiếp đó, lại vì giặc Đồ-Bà (Java) hoành hành cướp bóc thuyền buôn, đốt phá nhà dân ở nhiều nơi tại Khánh Hòa, vua nghe được, lại xuống dụ trách phạt quan sở tại, giáng tiếp Hồ Hữu Thẩm bốn cấp: “Vua nghe biết dụ rằng: “Giặc ấy chẳng qua là lũ tiểu yêu hôi tanh. Thuyền quân do tỉnh phái đi làm công trạng gì, mà để cho lũ giặc kia có thể nhân kẽ hở, lén lút xuất hiện như vào chỗ không có người? Vậy, bộ biền Lãnh binh là Trương Văn Thận, Phó Quản cơ cơ Hòa Tráng là Dương Văn Phong cùng các Suất đội ở chuyến đi ấy và các thủ ngự ở các đồn tấn đều trước phải cách chức, nhưng cho ở lại làm việc. Các tỉnh thần là Nguyễn Văn Điển và Hồ Hữu Thẩm cũngđều bị giáng bốn cấp, nhưng vẫn phải có một người chính mình đem quân đi tuần tiễu nghiêm sức cho lũ bộ biền, và tấn thủ phải ra sức bủa vây lùng bắt, cần bắt cho được cả đoàn thuyền của giặc ấy, đưa đến trị tội”.(17)

Tháng 10 năm này (1833), Án sát Khánh Hòa là Hồ Hữu Thẩm cùng Bố chính Quảng Ngãi là Lê Nguyên Trung được chỉ triệu về kinh. Đến tháng 11 cùng năm (1833), ông được bổ chức Án sát Quảng Trị.

Hai khu vực này (Khánh Hòa, Quảng Trị) đều là những nơi bọn “giặc” phỉ hoành hành dữ dội, nên vừa đổi chức Án sát Quảng Trị chưa đầy một tháng, vào tháng 12 cùng năm (1833), Hồ Hữu Thẩm đã hội cùng quan quân tiến đánh giặc Xiêm.

Những trận chiến với quân Xiêm ở vùng biên giới từ Quảng Trị đến Nghệ An giai đoạn này rất cam go, gian khổ. Song, cũng qua cuộc chiến này, tài năng và tâm huyết hết lòng, bảo vệ biên cương tổ quốc của Hồ Hữu Thẩm càng được khẳng định và triều đình nhiều lần ghi nhận, tưởng thưởng.

          Tháng 4 năm Giáp Ngọ (1834), nhờ tiếp tục có những chiến công đánh thắng giặc Xiêm ở mặt trận biên giới Cam Lộ – Ba Lan, Hồ Hữu Thẩm được vua Minh Mệnh gia ân tặng thưởng, “Hồ Hữu Thẩm trước bị giáng hai cấp, nay cho khai phục cả”.(18) Không lâu sau ngày được khai phục chức, ông bị nhiễm bệnh và qua đời tại sở quân (Cam Lộ, Quảng Trị).

          Bằng sự lược thuật về cuộc đời và sự nghiệp của Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm, chúng tôi thấy rằng ông xuất thân văn học, đảm nhiệm và kiêm nhiệm nhiều chức phận khác nhau ở trong triều, ngoài trấn. Trải đường quan trường khá chông gai, thăng giáng liên tục, song lúc nào ông cũng vẹn tròn tâm huyết và sức lực với trách phận của mình.

          Thời gian qua, nhờ hữu duyên tiếp cận được khá đầy đủ tư liệu của họ Hồ ở làng Nguyệt Biều, chúng tôi đã tiến hành phiên dịch trọn vẹn gần 40 văn bản với nhiều loại thể (của riêng nhánh 4), trong đó có các văn bản sắc chỉ, Thánh dụ, bằng cấp, bản tấu, chế phong… cho Hồ Hữu Thẩm cùng 2 người con trai là Hồ Hữu Qua, Hồ Hữu Diêu, cháu là Hồ Hữu Khâm – Võ Thị Mang (vợ ông Khâm) và người chắt là Quản vụ thái giám Hồ Xuyên (con trai ông Hữu Khâm và bà Võ Thị Mang), Ấm tử Hồ Hữu Trụ (cháu họ ông Hồ Xuyên)….

Dưới đây, chúng tôi chỉ xin trích tuyển một số văn bản ghi nhận dấu ấn của Hồ Hữu Thẩm và các con Hồ Hữu Qua, Hồ Hữu Diêu… để góp phần khẳng định truyền thống danh gia khá nổi bật của họ Hồ làng Nguyệt Biều nói chung, cũng như họ Hồ nhánh 4 nói riêng.

  • Dấu ấn Hồ Hữu Thẩm và 2 người con Hữu Qua, Hữu Diêu trong công cuộc đánh dẹp giặc ở Khánh Hòa, Quảng Trị (qua tư liệu Hán Nôm hiện tồn)
    • Hồ Hữu Thẩm với công cuộc đánh dẹp giặc biển Java (Đồ-Bà) ở Khánh Hòa

Giặc biển Java (còn viết: Chà-và, Đồ-bà, Xà-bà) là những toán giặc biển hoạt động khá mạnh ở khu vực vùng biển Nam Trung Bộ và Nam Bộ từ lâu. Sách Gia Định thành thông chí, mục Phú Quốc đảo viết rằng: “Lúc Thế Tổ Cao Hoàng Đế bị phong trần xe rồng đến đấy, nhân dân xứ này ra sức trung thành. Thám báo tình hình giặc, cung ứng vật dụng. Cho nên sau khi bình định, gia ơn miễn thuế thân và lao dịch cho xứ ấy, dù thuyền đánh cá, thuyền đi buôn đều không đánh thuế. Chỉ vì là nơi xa hẻo lánh, phải phòng bị giặc biển Chà-và nhân sơ hở đến ăn cướp, cho nên đặt quan thủ ngự, lấy dân làm lính, đều đủ khí giới cùng nhau giữ gìn để giữ bản cảnh mà thôi”.(18)

Vào giai đoạn triều Nguyễn, nhiều cuộc đụng độ giữa hải tặc Java với quan quân diễn ra liên tục vào các năm 1822, 1823, 1825, 1828, 1830, 1833…

Ở thời điểm năm Quý Tỵ (1833), tác giả Lê Tiến Công cho biết: “…Không chỉ ở phía bắc, mà dưới thời Minh Mạng cũng ghi nhận cướp biển ở phía nam là “giặc Chà-Và”. Như năm 1833, có đến hơn 20 thuyền cướp biển Chà Và cướp bóc ở vùng biển Khánh Hòa. Tổng đốc Phú Yên, Khánh Hòa hợp binh với Quảng Ngãi cùng tuần tiễu, đuổi đánh…”.(20)

Về sự kiện này, Đại Nam thực lục tường thuật cụ thể hơn: “[Quý Tỵ, Minh Mệnh năm thứ 14 [1833], mùa thu, tháng 8]…Thuyền giặc Đồ Bà hơn 20 chiếc lén lút xuất hiện ở đảo Thuận Tĩnh tỉnh Bình Thuận. Dân sở tại đánh nhau với giặc, bị thương chết hơn 100 người… Giặc lại đón cướp thuyền buôn và lên bờ đốt phá nhà dân hơn 10 chỗ tại các hải phận Cam Linh, Nha Phu, Vân Phong, Cầu Huân thuộc tỉnh Khánh Hòa. Vua nghe biết dụ rằng: “Giặc ấy chẳng qua là lũ tiểu yêu hôi tanh. Thuyền quân do tỉnh phái đi làm công trạng gì, mà để cho lũ giặc kia có thể nhân kẽ hở, lén lút xuất hiện như vào chỗ không có người? Vậy, bộ biền Lãnh binh là Trương Văn Thận, Phó Quản cơ cơ Hòa Tráng là Dương Văn Phong cùng các Suất đội ở chuyến đi ấy và các thủ ngự ở các đồn tấn đều trước phải cách chức, nhưng cho ở lại làm việc. Các tỉnh thần là Nguyễn Văn Điển và Hồ Hữu Thẩm cũng đều bị giáng bốn cấp, nhưng vẫn phải có một người chính mình đem quân đi tuần tiễu nghiêm sức cho lũ bộ biền, và tấn thủ phải ra sức bủa vây lùng bắt, cần bắt cho được cả đoàn thuyền của giặc ấy, đưa đến trị tội.”(21)

          Sự kiện này được lưu dấu bằng tờ khâm cấp văn bằng (cấp bằng) của Đình thần, hiện lưu tại từ đường nhánh 4 họ Hồ làng Nguyệt Biều. Chúng tôi xin giới thiệu dưới đây.

Tờ cấp bằng củaĐình thần (ngày 23 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 14)

Dịch nghĩa [xin lược bỏ bản gõ chữ Hán+phiên âm, xin xem đầy đủ ở bài viết trên Tạp chí NC-PT Huế, số 1- 2020)

Đình thần vâng mệnh [Hoàng đế] cấp văn bằng, việc rằng: vào ngày 21 tháng này [tháng 8], vâng Thánh chỉ có một khoản là: Hồ Hữu Thẩm trước đây vì bị can án [án tình liên quan], nên cùng bị giáng đến sáu cấp. Trải đã có Thánh chỉ ghi tạm dừng bản án, để dò xét rõ ràng thì mới lại giáng chỉ thi hành. Nay mấy lần căn cứ bản tấu trình về việc [Hồ Hữu Thẩm] bắt chém bọn giặc biển Xà-bà [Java], cứu thoát được nhiều người bị giặc biển cướp giật. [Hoàng đế] lường tính thi hành ân điển, gia ân cho Hồ Hữu Thẩm được đổi giáng bốn cấp lưu giữ làm nhiệm vụ. Khâm thử! Khâm tuân, hợp thành tờ văn bằng khâm cấp giáng bốn cấp lưu nhậm, nên kịp được khâm cấp. Trên đây là tờ khâm cấp.

Khánh Hòa Án sát sứ giáng bốn cấp lưu nhậm Hồ Hữu Thẩm căn cứ thi hành.

[3 ấn son nhỏ: Đồng dần hiệp cung]

Ngày 23 tháng 8 năm Minh Mệnh thứ 14 [1833] [ấn son: Công đồng chi ấn]

Cần chú ý rằng, phần ghi nhận công sức cùng những nỗ lực, đánh giặc Java của triều đình đối với Hồ Hữu Thẩm chỉ thực sự bộc lộ rõ nét ở tờ khâm cấp này, chứ không hề được thể hiện trong ghi chép ở Đại Nam thực lục. Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào bộ chính sử này, chúng ta có thể đánh giá thiếu sót, thậm chí sai nhầm về công lao và tâm huyết của Hồ Hữu Thẩm.

  •  Hồ Hữu Thẩm và hai người con Hồ Hữu Qua, Hồ Hữu Diêu trong cuộc chiến đấu chống giặc Xiêm xâm lấn ở đạo Cam Lộ, Quảng Trị

Quan hệ Việt – Xiêm kể từ thời các chúa Nguyễn đã có nhiều biến động thăng trầm, xét trong mối tương quan với vùng đất Chân Lạp và Ai Lao. Tháng 5 năm 1827, Viêng Chăn thất thủ vào tay quân Xiêm, vua Lào Lạn Xạng là Chậu Anuvong (Chaiya-Xethathirath III, sử triều Nguyễn gọi là A Nỗ 阿弩) phải chạy sang lánh nạn tại Nghệ An.

Đến tháng 9 năm 1828, Chậu Anuvong được quân binh triều Nguyễn hộ tống về lại Viêng Chăn. “… ngày 1 tháng 9 năm 1828, quân Đại Việt [Nam] rút về nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1828, Chậu Anuvong đã tập trung toàn bộ lực lượng bao vây và tấn công quân Xiêm đóng ở Vắt Kang…”.(22)

Sau cuộc phản kích này, quân Xiêm đã tổ chức lại lực lượng và tiến đánh Chậu Anuvong. Tháng 11 năm 1828, Chậu Anuvong và một số thân thuộc bị quân Xiêm bắt và áp giải về Băng Cốc. Tại đây, Chậu Anuvong đã bị hành hạ tra tấn dã man cho đến chết.

Sau khi bình định và biến Lào thành một tỉnh của Xiêm (1831), quân Xiêm chờ cơ hội để can thiệp quân sự vào Đại Nam. Năm 1833, Lê Văn Khôi khởi binh chống vua Minh Mệnh tại Gia Định, rồi vì yếu thế nên Khôi cử người sang cầu cứu Xiêm La.

Tận dụng thời cơ này, vua Rama III của Xiêm cử hàng ngàn quân thủy bộ, chia làm năm đạo tấn công nước ta (đạo thứ nhất tấn công vào Châu Đốc để đánh Gia Định; đạo thứ nhì tấn công Hà Tiên; đạo thứ ba theo đường bộ đánh Cam Lộ; đạo thứ tư đánh Nghệ An và đạo thứ năm đánh Trấn Ninh).

Trước tình hình đó, vua Minh Mệnh đã điều chuyển Hồ Hữu Thẩm từ Án sát Khánh Hòa về giữ chức Án sát Quảng Trị vào tháng 11 (âm lịch) năm 1833. Chưa đầy tháng sau, vào tháng Chạp năm đó, Hồ Hữu Thẩm được cử đi đánh dẹp quân Xiêm ở phủ Cam Lộ. Sách Đại Nam thực lục chép: “Tướng nước Xiêm là Lạt Xà Lận và Chiêu Vàng Na (em A Nỗ) ở Vạn Tượng đem hơn 1.000 quân Man Xiêm vào xâm nhiễu các châu Tầm Bôn, Mang Bổng, Ba Lan, Làng Thìn ở phủ Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị, bắt người, cướp của, dân đều sợ chạy, thự Tuần phủ Nguyễn Tú nghe tin báo lập tức phái ngay Phó Quản cơ cơ Quảng Trị là Nguyễn Trọng và Quản cơ cơ Định Man là Nguyễn Văn Vân đem 300 quân tiến đánh. Việc đó lên đến vua. Vua dụ Bộ Binh rằng: “Bọn giặc Xiêm này chẳng qua chỉ hơn một trăm mười người xúi xiểm các quân man vào quấy nhiễu ở biên cảnh, đó chỉ là ý chúng muốn phân tán binh lực của ta mà thôi. Chúng không nghĩ rằng với một số quân Man Xiêm như thế, làm được việc gì, đi sâu vào nơi hiểm yếu, thì chỉ tự rước lấy nạn diệt vong. Huống chi năm trước, chúng đã vào quấy nhiễu châu Ba Lan, thoạt nghe quân ta kéo đến, đã vội tháo thân chạy trước. Gương trước còn đó, nay lại dám càn rỡ gây hấn ! Ta nên lập tức tiễu trừ để yên bờ cõi. Nhưng chỉ vì số quân tỉnh phái đi còn ít, chưa được đắc lực lắm, vậy nên phái thêm một vệ Tượng quân ở Kinh sư giao cho Vệ úy Lê Văn Thụy đem ra và một vệ quân Khinh kỵ giao cho Vệ úy Phạm Phi, quản lĩnh cả 300 quân ở các vệ Kinh tượng và viện Thượng Tứ, đem theo súng thần công, súng quá sơn, súng du sơn, các hạng đại bác cộng 16 cỗ, thuốc đạn mỗi hạng đều 100 phát, cấp tốc đi Quảng Trị vát lấy voi trận, hiệp cùng Án sát Hồ Hữu Thẩm tiến đánh. Mọi cơ sự trong quân phải bàn bạc xác đáng mà làm”.(23)

Tháng 2 năm Giáp Ngọ niên hiệu Minh Mệnh thứ 15 (1834), nhờ công lao đánh thắng giặc Xiêm ở Ba Lan, Hồ Hữu Thẩm cùng quan binh được triều đình ban thưởng: “Vua dụ Bộ Binh rằng: “Đạo quan quân ấy đánh dẹp giặc Man ở các xứ Ba Lan, trước đã bắt tướng, chém đầu, thảy đều đã gần yên lặng. Ta đã hạ chỉ dụ từ Suất đội trở lên, thưởng gia quân công kỷ lục, và thưởng tiền cho các binh dõng. Nay lại gia ơn cho quan quân cưỡi voi mà đắc lực đều thưởng cho tiền lương 1 tháng, còn các quan văn võ binh dõng đi đánh trận ấy đều cấp cho nửa tháng lương. Vệ úy Lê Văn Thụy, thưởng thụ Chưởng cơ, vẫn coi vệ Kinh tượng Nhất. Hồ Hữu Thẩm thưởng thụ Bố chính sứ vẫn lĩnh Án sát. Thự Phó vệ úy Phạm Phi cho thực thụ ngay. Nay giặc Xiêm đã từng khiếp sợ, một dải sơn phận chín châu hiện đã phẳng lặng, chuẩn cho bọn Lê Văn Thụy, Hồ Hữu Thẩm và Phạm Phi theo ngay lời dụ lần sau, rút về Cam Lộ, đem kinh binh phái trước, và hương dõng mới bổ, do đường đại lộ, tiến đến Nghệ An, theo quân thứ Lê Thuận Tĩnh, hiệp sức cùng đánh dẹp. Lại chuẩn cho Hồ Hữu Thẩm đem theo 50 lính cơ Quảng Trị được dùng làm quân bộ hạ”.[24]

 Sau khoảng 5 tháng tiến đánh quân Xiêm, lập nhiều công trạng, đến tháng 4 năm 1834, Hồ Hữu Thẩm đã được triều đình phục nguyên chức tước, và không lâu sau thì ông qua đời.

Như vậy, cuộc chiến chống quân Xiêm bảo vệ biên cương tổ quốc được xem như một dấu mốc đặc biệt, là phút thăng hoa rực rỡ trong cuộc đời và sự nghiệp của Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm, và cũng là nơi ông trút hơi thở cuối cùng. Hơn nữa, đấy cũng là vùng đất ghi dấu chiến công của 3 cha con ông (Hồ Hữu Thẩm và 2 con Hồ Hữu Qua, Hồ Hữu Diêu) trong cuộc chiến bảo vệ biên cương của đất nước.

Những dấu ấn đó được ghi nhận trong một số chiếu chỉ văn bằng hiện tồn tại nhà họ Hồ thờ nhánh 4. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu một số bản tiêu biểu.

2.2.1 Tờ cấp bằng của Đình thần (ngày 10 tháng 02 năm Minh Mệnh thứ 15)

Dịch nghĩa

Đình thần vâng mệnh [Hoàng đế] cấp văn bằng, việc xét Quảng Trị Án sát sứ giáng 4 cấp lưu nhậm là Hồ Hữu Thẩm từng vâng chỉ phái đi các châu ở phủ Cam Lộ lo việc dò xét loạn đảng. Vào ngày 28 tháng Giêng, đã gắng gỏi dốc sức dũng mãnh trên trận tiền, bắt giữ tướng Xiêm xâm phạm [bờ cõi], đánh giết được nhiều tên giặc. Được ân điển tưởng thưởng, ban thêm cho một cấp quân công, song vẫn chưa sửa được cấp [bị giáng]. Nay, Bộ Lại noi theo lệ định, thấy rằng việc ban thêm cho một cấp quân công là chỉ ở mức tầm thường, nên cho hai cấp để bỏ được hai cấp bị giáng, vẫn giữ hai cấp bị giáng lưu nhậm như các viên chức bị án phạt. Tức thì hợp làm thành tờ Khâm cấp văn bằng trừ bỏ hai cấp bị giáng, vẫn còn bị giáng hai cấp, lưu lại làm việc. Nên làm tờ khâm cấp vậy. Trên đây là khâm cấp.

Quảng Trị Án sát sứ giáng 2 cấp lưu nhậm [lưu lại làm việc] Hồ Hữu Thẩm căn cứ thi hành.

[3 ấn son nhỏ: Đồng dần hiệp cung]

Ngày 10 tháng 02 năm Minh Mệnh thứ 15 [1834] [ấn son: Công đồng chi ấn]

2.2.2. Chiếu ban cho Hồ Hữu Thẩm (ngày 13 tháng 02 năm Minh Mệnh thứ 15)

Dịch nghĩa

Chiếu ban cho Hồ Hữu Thẩm [chức] Án sát sứ ở Ty Đề Hình Án Sát Sứ tại các địa phương thuộc xứ Quảng Trị, giáng hai cấp lưu tại nhiệm sở, trước đây từng được phái đi vùng Cam Lộ, chinh phạt tiễu trừ bọn cướp người man, bắt giữ chém đầu [quân giặc], hiện [địa phương] đã yên ắng thanh bình. Nay, chuẩn tưởng thưởng bổ nhiệm chức Bố chính sứ, giữ nguyên việc giáng hai cấp lưu tại nhiệm, vẫn lãnh chức Án sát sứ. Phàm các việc công, tuân theo điển lệ mà thi hành, nên tập trung gắng gỏi với chức phận được giao, cẩn trọng từng giây phút, để xứng đáng với sự ủy nhiệm của triều đình. Khâm tai!

Ngày 13 tháng 02 năm Minh Mệnh thứ 15 [1834] [ấn son: Sắc mệnh chi bảo]

2.2.3. Đình thần cấp bằng (ngày 09 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15)

Dịch nghĩa

Đình thần vâng mệnh [Hoàng đế] cấp văn bằng, việc rằng: xét thấy Bố chánh sứ lãnh Quảng Trị Án sát sứ Hồ Hữu Thẩm trước đây nhân bị phạm lỗi, chiếu xuống bị giáng 2 cấp lưu nhậm [lưu lại nhiệm sở để làm việc]. Từ ngày 04 tháng này [tháng 4] năm này [Minh Mệnh thứ 15 – 1834], kính theo điều khoản trong thánh dụ của Hoàng đế. Nay căn cứ bọn Nguyễn Tú, Lê Văn Thụy cho ngựa phi báo, tâu trình việc đánh dẹp giặc Xiêm, một đợt thắng lợi bẻ gãy [quân địch], vả chăng bọn Xiêm khấu đã trải nhiều lần bị quan binh tiến dẹp khiến tản mác. Nay chúng hẳn còn rối bời mà chẳng sợ chết, lại dám hống hách dùng mưu gian, đưa mắt xem khắp chẳng coi ai ra gì, lại [dấy binh] tiếp tục đến xâm phạm. Thực là ác nghiệt vô cùng. Lần lượt, quan binh của ta dốc sức dũng mãnh, tiến đánh và bắt quân địch ở trận tiền, chém đầu vô kể, thu được khí giới. Kịp đó, đốc thúc voi chiến nhanh chóng đánh phá, khiến hơn trăm thuyền giặc bị đánh chìm. Từ đấy, việc kiểm soát giặc Xiêm được hoàn toàn hiệu quả. Mới thấy đầy đủ rằng những quân tướng ấy hết lòng vì nước, rất xứng được tưởng thưởng kịp thời. Tướng đốc trách quân vụ là bọn Hồ Hữu Thẩm từng bị giáng hai cấp lưu lại làm việc, thì ân chuẩn được Toàn hành khai phục (phục hồi toàn vẹn chức vụ và cấp bậc đã bị giáng) ấy. Khâm thử! Kính tuân chỉ dụ của nhà vua, hợp thành khâm cấp văn bằng Toàn hành khai phục, nên được cấp văn bằng này.

Trên đây là tờ khâm cấp. Bố chánh sứ, lãnh Án sát sứ Hồ Hữu Thẩm căn cứ thi hành.

[5 ấn son nhỏ: Đồng dần hiệp cung]

Ngày 09 tháng 4 năm Minh Mệnh thứ 15 [1834] [ấn son: Công đồng chi ấn].

2.2.4. Bản tâu của Thông Cương nam Lê Văn Thụy về cha con Hồ Hữu Thẩm

            Dịch nghĩa

Thông Cương nam, thần Lê Văn Thụy kính tâu, căn cứ vào sự thực để trình báo rõ, ngưỡng cầu Thánh thượng soi xét.

Việc là: năm ngoái thần cùng nguyên Bố chánh tỉnh Quảng Trị Hồ Hữu Thẩm (đã mất) vâng lệnh đi đến 9 châu ở Cam Lộ để chinh phạt giặc cướp người Xiêm. Bọn chúng thần ngưỡng nhờ oai trời, nhiều lần đánh thắng. Lúc bấy giờ, có các con trai của viên quan [Hồ Hữu Thẩm] quá cố tên là Hồ Hữu Qua  – từng là bề tôi hầu hạ nơi tiềm để [của Hoàng tử] và Hồ Hữu Diêu đều một lòng tòng quân dẹp giặc. Rồi Hữu Qua chém được 1 đầu giặc cướp người Xiêm, được dự thưởng quân công gồm 1 tấm ngân bài và 2 lạng bạc. Hữu Diêu thì bắt giữ được 1 con voi của giặc cướp người Xiêm. Tuy việc bắt được voi, theo lệ không được thưởng ngân bài, nhưng đều được vào hàng có công trạng [đánh giặc]. Đến nay, bọn Hữu Qua – Hữu Diêu hướng lên thần, khẩn thiết xin đề bạt lên, ngưỡng mong ơn Trời chiếu cố xuống, chuẩn ban cho tiền thưởng, khiến cho bọn Hữu Qua – Hữu Diêu được lấy đó kịp thời dùng trong lúc cần kíp. Thần trộm nghĩ rằng bọn Hữu Qua – Hữu Diêu trải theo việc quân nhung, lại theo [đánh dẹp khắp nơi], giỏi giang cưỡi ngựa, am tường bắn tên, dám xin căn cứ theo thực tình để đề bạt lên, cúi mong Thánh chỉ về sau. Kính tâu!

Ngày 22 tháng 10 năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) đệ trình lên.

Vào ngày 24 tháng ấy (tháng 10), Nội Các: thần Hà Tông Quyền, thần Lê Văn Thụy, thần Lê Bá Tú, thần Hoàng Quýnh phụng chỉ: Căn cứ vào bản tâu, các con của Hồ Hữu Thẩm là Hồ Hữu Qua, Hồ Hữu Diêu tuy xếp vào hàng con nhà gia thế trâm anh, nhưng trải theo việc quân vụ chiến đấu, đã có chiến công, cũng có thể tùy vào tài nghệ mà giao nhậm chức. Bèn giao cho Bộ Binh bàn luận để bổ nhiệm chức Đội trưởng, khiến được kịp thời sử dụng [người tài].

Binh Bộ đường cung kính sao lục [văn tự: Binh Bộ chi ấn]

  • Một số suy nghĩ (thay lời kết luận)

          Qua những văn bằng chiếu chỉ đã giới thiệu ở trên (cùng một số tư liệu cụ thể hiện được lưu trữ ở nhà thờ Họ Hồ nhánh 4), chúng ta thấy công lao của cha con Hồ Hữu Thẩm trong cuộc chiến với Xiêm La ở đất Cam Lộ rất rõ ràng và đầy đủ. Hai người con Hữu Qua, Hữu Diêu tiếp tục nối nghiệp cha mình, đem sức lực và tâm huyết phục vụ cho vương triều Nguyễn. Người anh Hồ Hữu Qua không có con nối dõi, mất vào năm Tự Đức thứ 8 (1855). Người em là Hồ Hữu Diêu kế tiếp lo phụng thờ hương khói gia tộc; kế nghiệp là Quan viên tử Hồ Hữu Khâm (đời thứ 12, con trai ông Hồ Hữu Diêu).

Hồ Hữu Khâm và vợ là Võ Thị Mang sinh ra Điển sự thái giám Hồ Xuyên (đời thứ 13 họ Hồ làng Nguyệt Biều). Đến Thành Thái nguyên niên [1889], thì Hồ Xuyên được thăng chức Quản vụ thái giám – tức chức đứng đầu thái giám trong cung đình.

Thái giám Hồ Xuyên chính là một trong những vị có công đức rất lớn đối với ngôi chùa Từ Hiếu, góp phần công sức và tiền của khá lớn, cũng như đứng ra vận động trùng tu tôn tạo, giúp cho ngôi chùa này được ngày một khang trang, rạng rỡ hơn.

Nói tóm lại, nếu coi ngài thủy tổ Hồ Minh là người tạo lập nền móng cho họ Hồ Nguyệt Biều ở đất Nam Hà, và Phước Đức quốc sư Hồ Quang Đại (đời thứ 6) là vị tổ trứ danh thời chúa Nguyễn, thì Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm (đời thứ 10) xứng đáng được xem là người kế tục làm rạng danh cho dòng họ này dưới thời nhà Nguyễn.

Ông sống và làm quan trải nhiều chức vụ, từ quan văn đến quan võ, ở trong triều ra đến ngoài trấn. Ông đã sống và cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp chiến đấu bảo vệ biên cương tổ quốc, góp công không nhỏ trong các cuộc chiến đánh dẹp hải tặc Java ở miền Nam, lẫn giặc Xiêm ở vùng biên giới Cam Lộ vào những năm 1833-1834.

Tiếc rằng, cho đến nay, tên tuổi Hồ Hữu Thẩm ít được giới nghiên cứu lịch sử văn hóa quan tâm và tìm hiểu thấu đáo. Vì thế, qua bài viết này, chúng tôi mong muốn góp phần nêu bật công lao của Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm với quê hương, đất nước, với biển trời biên cương tổ quốc. Hy vọng trong tương lai sẽ tiếp tục có những bài viết nghiên cứu sâu hơn về Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm và họ Hồ làng Nguyệt Biều (bên cạnh việc xiển dương công đức của danh nhân Hồ Quang Đại), để những danh hiền xứ Huế được sớm ghi nhận và vinh danh.

V V Q

CHÚ THÍCH

(1) Căn cứ vào các bản PHÓ Ý (chúc văn Chánh tế) của họ Hồ làng Nguyệt Biều, được lưu trữ tại nhà thờ Họ, cùng gia phả các đời, nhất là bản gia phả xưa nhất của dòng tộc lập vào năm 1745 thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, thì tất cả những tư liệu ấy đều ghi chép thống nhất rằng: Thủy tổ là Tiến sĩ Hồ Minh, theo Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Nam Hà, trở thành dòng họ Khai canh của làng Nguyệt Biều. Trên thực tế, ngài thủy tổ Hồ Minh đỗ tiến sĩ ở triều đại nào, vào năm nào trước khi theo Chúa Tiên vào Thuận Hóa (trước 1558) thì cần được tiếp tục tìm hiểu kỹ hơn. Song, với những cứ liệu truyền đời của gia tộc họ Hồ Nguyệt Biều ghi chép và lưu truyền, chúng tôi rất trân trọng và ghi nhận điều đó, tức chúng tôi vẫn ghi: vị thủy tổ là Tiến sĩ Hồ Minh.

Một vấn đề nữa là câu chuyện CHỮ LÓT trong họ tên của các vị tổ nhiều đời của họ Hồ Nguyệt Biều. Căn cứ vào Gia phả phái Tư (phái 4) bản ghi của Hàn Lâm Viện cung phụng Hồ Hữu Trụ ‘‘phụng tu” (kính tu sửa, bổ khuyết) và cháu nội ngài Hồ Hữu Trụ là Giáo chức Hồ Hữu Đường phụng dịch vào năm Tân Hợi 1971 (ghi chép từ đời thứ 5 của ông Quận Hồ Đình Câu); và căn cứ vào gia phả (bản Hán) của phái 3 họ Hồ Nguyệt Biều, thì: Họ Hồ từ thủy tổ (đời 1) là Tiến sĩ Hồ Minh, sinh con (đời thứ 2) là Hồ Đình Thám. Chữ lót “Đình” (Hồ Đình) kéo dài đến hết đời thứ 5 của Ông Quận – Hồ Đình Câu (cha của Hồ Quang Đại). Sau đó, từ đời thứ 6 thì đổi làm Hồ Quang (Hồ Quang Đại). Với “Hồ Quang”, gia phả các phái ghi chép có phần chưa thống nhất. Chẳng hạn, gia phả (chữ Hán) cùng sắc chỉ giấy tờ thì ghi nối tiếp Hồ Quang cho đến những đời thứ 12-13-14… (gia phả ở các đời sau này thì chúng tôi chưa có đầy đủ, nên không thể xác quyết “Hồ Quang” kéo dài đến đời thứ bao nhiêu). Tuy nhiên, với gia phả phái 4 (Phái của Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm) do Hồ Hữu Trụ phụng tu (đã đề cập ở trên) thì “Hồ Quang” lưu truyền từ đời thứ 6 đến đời thứ 9 (với cha ngài Hồ Hữu Thẩm là ngài Hồ Quang Ánh). Từ đời thứ 10, phái 4 này đã dùng “Hữu” làm chữ lót, như: Hồ Hữu Đê (con cả ngài Quang Ánh), Hồ Hữu Thoa (con thứ 2 của ngài Quang Ánh), Hồ Hữu Thẩm (con thứ 3 ngài Quang Ánh). Chữ lót “Hữu” (Hồ Hữu) của phái 4 trên đây kéo dài từ đời thứ 10 (đời ngài Hồ Hữu Thẩm) cho đến hết đời thứ 15 của ông Hồ Hữu Đường (tức người dịch Việt ngữ bản gia phả nhánh 4 do ngài Hồ Hữu Trụ phụng tu). Song, xin được lưu ý một điều đó là phần “chữ lót” (Đình, Quang, Hữu, Xuân…) của họ Hồ có tính ƯỚC ĐỊNH trong nội bộ dòng tộc hoặc chi phái, chứ không có tính quy định thống nhất ràng buộc. Bởi vậy, gia phả phái 4 và sắc phong chiếu chỉ thì ghi ngài Hồ Hữu Thẩm, trong khi gia phả phái 3 thì ghi ngài là “Hồ Quang Thẩm”.  (Võ Vinh Quang).

2. Sách Đại Nam thực lục chính biên, Đệ nhị kỷ, quyển 1: Thực lục về Thánh Tổ Nhân Hoàng Đếchép rằng: “[Canh Thìn, năm Minh Mệnh thứ nhất [1820] … Đổi Nội Đồ Gia làm Nội Vụ phủ, Ngoại Đồ Gia làm Vũ Khố. Sai Thiêm sự Hộ Bộ quản Nội Đồ Gia là Nguyễn Công Vị vẫn quản Nội Vụ phủ, Tri bạ Đồ gia là Hồ Hữu Thẩm và Nguyễn Công Khiêm làm Biện lý Nội Vụ phủ”. (Theo Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 2(Viện Sử học dịch), Nxb Giáo dục. Hà Nội. Tr. 39).

3. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 156.

4. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 347.

5. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 407-408.

6. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 434.

7. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 463.

8. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 545.

9. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 619.

10. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 691.

11. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr.757.

12. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 825.

13. Đại Nam thực lục. Tập 2. Sđd, Tr. 854.

14. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 3(Viện Sử học dịch). Nxb Giáo dục, Hà Nội. Tr. 133.

15. Đại Nam thực lục. Tập 3.Sđd. Tr. 191.

16. Đại Nam thực lục. Tập 3.Sđd. Tr. 678.

17. Đại Nam thực lục. Tập 3.Sđd. Tr. 688.

18. Đại Nam thực lục. Tập 4.Sđd. Tr. 146.

19. Trịnh Hoài Đức. (1999). Gia Định thành thông chí (Viện Sử học dịch). Nxb Giáo dục. Hà Nội. Tr.68.

20. Lê Tiến Công. (2017). Tổ chức phòng thủ và hoạt động bảo vệ vùng biển Miền Trung dưới triều Nguyễn giai đoạn 1802 – 1885. Nxb Khoa học Xã hội. Hà Nội. Tr. 176-177.

21.  Đại Nam thực lục. Tập 3. Sđd. Tr. 687-688.

22. Viện Nghiên cứu Đông Nam Á. (1998). Lịch sử Lào. Nxb Văn hóa Thông tin. Hà Nội. Tr. 219-220.

23.  Đại Nam thực lục. Tập 3. Sđd. Tr. 952.

24. Quốc Sử Quán triều Nguyễn. (2007). Đại Nam thực lục. Tập 4(Viện Sử học dịch). Nxb Giáo dục. Hà Nội. Tr. 60-61.

25. Bộ vụ 捕務: quan quân đảm nhiệm công việc dò xét, tuần tra, truy bắt để dẹp tan loạn đảng. Sách Thích danh 釋名của Lưu Hy 劉熙 đời Hán mạt (thời Tam Quốc), mục Thích tư dung 釋姿容 có câu: “Từ hành viết: bộ. Bộ, bộ dã, như hữu sở tứ bộ vụ an tường dã” 徐行曰步; 步,捕也,如有所伺捕務安詳也 (đi thong thả gọi là “bộ”. Bộ là đi một cách dò xét, như có việc đi lại dò xét để yên ổn rõ ràng vậy).

TÓM TẮT

Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm là hậu duệ đời thứ 10 của họ Hồ (nhánh 4) khai canh làng Nguyệt Biều ở xứ Huế. Trước đó, dòng họ này đã sản sinh một nhân vật đóng góp nhiều công lao trong lịch sử khai phá xứ Đàng Trong là Phước Đức quốc sư Hồ Quang Đại. Căn cứ vào chính sử và tài liệu Hán Nôm hiện còn do dòng họ bảo quản, bài viết điểm lại hành trạng của Thẩm Thận hầu Hồ Hữu Thẩm, đặc biệt là những chiến công của cha con ông trong việc đánh dẹp bọn hải tặc ở Khánh Hòa và giặc Xiêm La ở Quảng Trị. Đồng Thời, qua gia phả hiện còn, tác giả bài viết còn phát hiện thêm một hậu duệ của Hồ Hữu Thẩm đã đóng góp nhiều công sức cho việc trùng tu nhiều ngôi chùa nổi tiếng ở Huế, đó là Quản vụ thái giám Hồ Xuyên.


* Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Bình luận về bài viết này