VĂN BIA CÔ ĐÀN LÀNG LA VÂN THƯỢNG

Võ Vinh Quang

*Bài viết được đăng tải ở Tạp chí Sông Hương, số Đặc biệt [38] tháng 09 – 2020, trang 40-42.

*Bản thảo dịch từ cuối 2014, chỉnh sửa lại vào năm 2016, tháng 09/2017 thì tạm xong bài. Tháng 09/2020, được đăng tải ở tạp chí Sông Hương (xin cám ơn BBT Tạp chí Sông Hương)

Chánh điện chùa Trùng Quang (Trùng Quang tự) làng La Vân Thượng. Ảnh chụp của Võ Vinh Quang, ngày 19/09/2016
  1. Cô đàn (Đàn tế cô hồn) – một thiết chế thờ tự đậm nét nhân văn

Xứ Thừa Thiên, nơi hội tụ và giao thoa giữa nhiều trầm tích văn hóa. Sự cộng cư hòa hợp giữa các tộc người (người Bản địa thuộc các cộng đồng dân tộc Chăm, người Phương Bắc trên con đường Nam tiến di cư vào…) tạo nên một bản sắc độc đáo vừa riêng lại vừa chung đối với truyền thống văn hóa tộc người trong toàn xứ. Cũng bởi thế, các triều đại Nhà Nguyễn (1558-1945) từ lúc tiếp cận và cai quản vùng đất này đều luôn quan tâm đến mọi mặt của đời sống con người toàn xứ sở, nhất là đạo lý, nhân văn trong việc phụng thờ, tế tự, phối hưởng một cách hài hòa giữa các tộc người, không phân biệt thân sơ.

Trong triều đại các vua Nguyễn trị vì (1802-1945), việc lập đàn miếu từ Trung ương đến địa phương đều được triều đình quan tâm nhất mực. Công việc tạo dựng các miếu thờ Thần (nhiên thần, thiên thần, nhân thần), miếu thờ các vị công thần có công với nước (khai quốc công thần, trung hưng công thần, trung tiết công thần…) đi đôi với việc xây dựng các nghĩa trủng 義塚 (nghĩa địa, nghĩa trang) và cô đàn 孤壇 (đàn tế cô hồn/ âm hồn) ở khắp các làng xã… không ngừng được đẩy mạnh và ghi chép cụ thể vào Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (gọi tắt: Hội điển). Sau sự kiện thất thủ kinh đô (1885), các đàn tế âm hồn, đàn tế chiến sĩ trận vong… cũng tiếp tục được dựng xây khắp nơi trong cả nước.

Lẽ dĩ nhiên, những đàn tế sau năm 1885 ấy là sự tiếp nối truyền thống nhân văn tốt đẹp của ông cha, đã được triều đình nhà Nguyễn quy định từ trong Hội điển. Chẳng hạn, sách Hội điển, phần Bộ Lễ, quyển 91: Tế các đền các miếu I, mục “Tế âm hồn” có đoạn: “Gia Long năm thứ 2 (1803), chuẩn định ở kinh và các địa phương đều làm đàn ở mãi phía bắc bên ngoài thành, hằng năm cứ ngày mồng ba tháng quí xuân, quí đông đến tế, nếu gặp ngày cấm kỵ thì lùi lại sau 3 ngày, đàn sở thì đặt bài vị thành hoàng ở trên, hai bên tả hữu đều đặt bài vị “vô tự quỉ thần: (quỉ thần không người thờ tự), lễ phẩm 3 con dê, 3 con lợn, 2 phương gạo nếp làm xôi, 3 phương gạo cơm cháo, ở kinh thì quan ở doanh Quảng Đức, ở ngoài thì quan các địa phương khâm mạng làm lễ[1]. Như vậy, rõ ràng triều đình nhà Nguyễn rất ý thức chăm lo đến đạo lý nhân bản, yêu thương chia sẻ và đồng điệu Âm – Dương, thuộc truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.

Văn bia Cô đàn làng La Vân Thượng được dựng tạm bên mé cột trụ – ảnh của tôi – Võ Vinh Quang chụp vào ngày 12/10/2014. (Hiện tại [10/2020] thì Hội đồng làng La Vân Thượng đã dựng nhà bia, đưa các tấm bia này vào để bảo vệ rồi (hình như cũng đã được vài năm), đây là điều mong mỏi của chúng tôi khi biên dịch bài viết này, nên đó là điều rất đáng mừng)

Cho đến nay, sau nhiều biến thiên của lịch sử, của thời cuộc, ngoại trừ một số đàn tế âm hồn ở trong và ven kinh thành (như Đàn tế Âm hồn ở đường Ông Ích Khiêm, miếu Âm hồn ở ngã ba Mai Thúc Loan – Lê Thánh Tôn, miếu Âm hồn ở Cống Chém, Đàn tế cô hồn làng Vỹ Dạ và nghĩa trang tập thể tại chùa Ba Đồn…), thì các cô đàn tại các làng xã trong toàn tỉnh chỉ còn tồn tại lẻ tẻ.

Một trong những cô đàn còn bảo lưu rất tốt quy mô kiến trúc, là nơi chức sắc làng La Vân thường xuyên tiến hành các buỗi lễ tế hằng năm chính là cô đàn làng La Vân Thượng – xã Quảng Thọ – huyện Quảng Điền – tỉnh Thừa Thiên Huế. Điểm thú vị tại đây không chỉ quy mô đàn tế bề thế, đẹp đẽ mà còn hiện diện một tấm bia ký ghi chép về công đức của dân làng La Vân Thượng trong việc phục dựng lại đàn tế âm hồn ở làng mình.

  • Văn bia cô đàn làng La Vân Thượng
Cô đàn làng La Vân Thượng (ảnh chụp của Võ Vinh Quang: 12/10/2014)

Có dịp đi về hướng Hương Cần – Niêm Phò – Sịa, chúng ta sẽ đi ngang ngôi làng La Vân Thượng (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền). Ngôi làng này có con đường tỉnh lộ chạy song song với một nhánh sông nhỏ của dòng Bồ giang. Ở gần sát đường đi (khoảng giữa làng), ta sẽ thấy một đàn tế cô hồn (Cô đàn) bề thế, trang nghiêm, hướng chính diện nhìn thẳng ra bờ sông phía trước.

Đây là một trong số ít những cô đàn quy mô bề thế chúng tôi biết được ở các làng tại Thừa Thiên Huế. Chỉ tiếc rằng không hiểu vì nguyên do gì, 2 tấm bia đá (gồm 1 tấm bia không thấy chữ, 1 tấm bia ghi chép công đức xây dựng cô đàn) lại nằm chỏng chơ mé cạnh trụ biểu trước cô đàn, mặc gió sương dải dầu năm tháng [bài này chúng tôi khởi thảo đã khá lâu, nay – 10/2020 – thì bia đá đã được dân làng làm nhà bia che chắn, bảo vệ] . Nay chúng tôi xin cung cấp bản dịch văn bia công đức tạo dựng cô đàn này.

Toàn văn bản Văn bia cô đàn La Vân Thượng (Ảnh Võ Vinh Quang chụp 12/10/2014) – như đã nói trên, hiện nay bia đá đã được đưa vào nhà bia để bảo quản.

Hán văn[2]:

國有義塚,鉅典也。鄉有孤壇,厚澤也。吾社嗣來此典闕如。歲癸丑孟秋月載同擬築壇祠,祠諸無祀者。工既就,爰命管侯誌之。嗟夫,九京歸客月夜吟魂。若而人者固皆吾社中人,即皆吾族姓,親戚中人,桑滄底局,永夢悠悠。雖曰生寄死歸,而英靈之氣所磅礡於茶山蒲水間。蓋凜然猶有存焉者。不為之所崇而祀之,將于誰主而于誰依用。是吾先紙官副領兵潘公提譴之,而紳豪列貴督成之。丹青數點,香火千秋,祀事孔明潛靈式慰。夫,然後為生存計者始無憾云。爾所有鄉豪婆心,助辨姓甚名誰列如左,計:

一: 官員奉供銀以下: 副領兵潘大人並夫人拾五元。城守尉制文寅貳元。玖品陳曰寧並正室拾五元。隊長潘遵柒元。上項學生秀才陳曰宛柒元。隊長制文成肆元。官員子潘有泰肆元。隊長潘文帥貳元。隊長潘文刊壹元。

一:從職也奉供銀以下: 守簿潘合貳元。里長阮織貳元。給憑阮橋貳元。什長潘扶貳元。遒事潘桂壹元。習兵阮詠壹元。督檢阮楊壹元。京兵阮儉壹元。邑長陳遂壹元。員子制詩壹元。員子制言壹元。員子制謙壹元。員子潘選壹元。員子潘福壹元。

一鄉老奉供銀以下:阮卿壹元。陳道壹元。潘眷壹元。潘燕壹元。潘槐五毛

一兩搜人奉供銀以下: 書吏阮橫柒元。首番潘聯柒元。阮衍貳元。𠆳長潘蹺壹元五毛。教師潘艷壹元。舊里阮田壹元。黃裳壹元。潘達壹元。潘賴壹元。制傑壹元。潘料壹元。阮恤壹元。陳培壹元。制代陸毛。制嘉肆毛。阮貽肆毛。

一鄉女奉供銀以下: 上項學生秀才陳曰宛正室阮氏赤肆元…[phần liệt kê 15 bà cúng tiền từ 1 –2 đồng, xin lược]

一 [鄉]孫奉供銀以下: 帮佐黎廷璹並室阮模五元。著作尊室亮並室陳氏康貳元。[liệt kê 10 vị cúng tiền từ 1-2 đồng, xin lược]

維新柒年捌月初壹日

提譴副領兵潘有春,奉充董辨九品陳曰寧,奉充視事員子潘有攜,奉充專辨書吏阮有 [……]

Dịch nghĩa:

[VĂN BIA CÔ ĐÀN, LÀNG LA VÂN THƯỢNG]

Quốc gia thì có nghĩa trủng[3], ấy là điển lệ lớn! Ở làng mạc thì có cô đàn[4] (đàn tế cô hồn), là ân trạch sâu dày vậy. Xã ta trước nay còn thiếu sót chuyện này! Vào tháng 7 (mạnh thu) năm Quý Sửu (1913), [dân làng] cùng họp tính việc tạo dựng cô đàn để cúng tế những linh hồn không chốn phụng thờ. Xây dựng đã xong, bèn sai viên quản việc ghi chép .

Ôi, các vong linh xa quê, hồn đêm hiện hữu. Nếu là những người đều trú ngụ mãi trong xã ta thì tức đều là người thân thích của họ tộc ta cả. Tang thương chi khiến để [linh hồn ấy] mãi dằng dặc trong cõi mộng! Tuy nói “sống ở thác về”, nhưng khí tượng anh linh hẳn cứ đầy rẫy nơi khoảng Trà sơn Bồ thủy[5]. Ấy nên, sự lạnh lẽo ở họ do đó vẫn còn vậy. Chẳng làm được một trú sở để tế tự phụng thờ, thì họ đâu rõ ai là chủ nhân để mà nương náu. Từ [mục đích đó], quan Tiên chỉ của ta là Phó Lãnh binh Phan công đề khiến ra việc [dựng cô đàn] này, mà quý hương thân, hào trưởng cùng dốc sức hoàn thành công việc. Nét son điểm xuyết, hương hỏa muôn đời, thờ phụng rõ bày, hồn thiêng thỏa ý. Ôi, từ nay về sau, việc mưu tính sinh tồn không hề còn chút hối tiếc nào. Các hương hào trong làng có tấm lòng công đức đóng góp, hỗ trợ bao gồm họ tên cụ thể liệt kê như sau. Kê:

  • Quan viên phụng cúng ngân tiền dưới đây:

Phó Lãnh binh Phan đại nhân cùng phu nhân: 15 đồng; Thành Thủ úy Chế Văn Dần: 2 đồng; Cửu phẩm Trần Viết Ninh cùng chánh thất: 15 đồng. Đội trưởng Phan Tuân: 7 đồng. Thượng hạng Học sinh Tú tài Trần Viết Uyển: 7 đồng. Đội trưởng Chế Văn Thành: 4 đồng. Quan viên tử Phan Hữu Thái: 4 đồng. Đội trưởng Phan Văn Suất: 2 đồng. Đội trưởng Phan Văn Khán: 1 đồng.

  • Các vị Tòng chức phụng cúng ngân tiền dưới đây:

      Thủ bộ Phan Hợp: 2 đồng. Lý trưởng Nguyễn Chức: 2 đồng. Cấp bằng Nguyễn Kiều: 2 đồng. Thập trưởng Phan Phù: 2 đồng. Tù sự Phan Quế: 1 đồng. Tập binh Nguyễn Vịnh: 1 đồng. Đốc kiểm Nguyễn Dương: 1 đồng. Kinh binh Nguyễn Kiệm: 1 đồng.  Ấp trưởng Trần Toại: 1 đồng. Viên tử Chế Thi: 1 đồng.  Viên tử Chế Ngôn : 1 đồng.  Viên tử Chế Khiêm: 1 đồng.  Viên tử Phan Tuyển: 1 đồng.  Viên tử Phan Phúc: 1 đồng. 

  • Các vị Hương lão phụng cúng ngân tiền dưới đây:

Nguyễn Khanh: 1 đồng.  Trần Đạo: 1 đồng. Phan Quyến: 1 đồng.  Phan Yến: 1 đồng.  Phan Hòe: 5 hào.

  • Các vị Lưỡng sưu phụng cúng ngân tiền dưới đây:

      Thư lại Nguyễn Hoành: 7 đồng. Thủ phiên Phan Liên: 7 đồng [liệt kê 15 vị cúng tiền từ 1-2 đồng, xin lược].

  • Nhất Hương nữ phụng cúng ngân tiền dưới đây:

       Chánh thất của ông Thượng hạng Học sinh Tú tài Trần Viết Uyển là Nguyễn Thị Xích:  4 đồng…[phần liệt kê 15 bà cúng tiền từ 1 – 2 đồng, xin lược]

  •  [Hương] tôn phụng cúng ngân tiền dưới đây:

Bang tá Lê Đình (?) và bà vợ Nguyễn Mua: 5 đồng. Trước tác Tôn Thất Lượng và vợ Trần Thị Khang: 2 đồng. [liệt kê 10 vị cúng tiền từ 1-2 đồng, xin lược].

Ngày 01 tháng 8 năm Duy Tân thứ 7 (1913)

Đề khiển là Phó Lãnh binh Phan Hữu Xuân; Phụng sung Đổng biện là Cửu phẩm Trần Viết Ninh; Phụng sung Thị sự là Viên tử Phan Hữu Huề; Phụng sung Chuyên biện là Thư lại Nguyễn Hữu [……]

3. Một số luận bàn (thay lời kết luận)

Cùng với cô đàn làng La Vân Thượng, bản văn bia ghi công đức tạo dựng cô đàn này có giá trị cao không chỉ đối với lịch sử hình thành và tồn tại của chiếc đàn tế cô hồn ở ngôi làng này, mà còn là cứ liệu thực chứng cho thấy tính nhân văn đậm nét trong truyền thống văn hóa của cư dân La Vân Thượng nói riêng, Thừa Thiên nói chung, nhất là tấm lòng hướng về vong linh, cô hồn tha hương: “Ôi, các vong linh xa quê , hồn đêm hiện hữu. Nếu là những người đều trú ngụ mãi trong xã ta thì tức đều là người thân thích của họ tộc ta cả. Tang thương chi khiến để mãi dằng dặc trong cõi mộng! Tuy nói “sống ở thác về”, nhưng khí tượng anh linh hẳn cứ đầy rẫy nơi khoảng Trà sơn Bồ thủy. Ấy nên, sự lạnh lẽo ở họ do đó vẫn còn vậy. Chẳng làm được một trú sở để tế tự phụng thờ, thì họ đâu rõ ai là chủ nhân để mà nương náu. (Văn bia).

Người Huế hiện nay thường coi ngày 23.05 âm lịch hằng năm là ngày cúng vọng các cô hồn đã khuất. Điều đó gắn liền với biến cố thất thủ Kinh đô (23 tháng 05 năm Ất Dậu [1885]) đầy đau thương của dân tộc. Tuy nhiên, nếu chỉ gói gọn câu chuyện cúng tế cô hồn vào biến cố Ất Dậu thì không hẳn đã hợp lý. Bởi lẽ, truyền thống văn hóa đầy nhân bản của người Việt ta có ý nghĩa bao quát, rộng lớn hơn. Đó là truyền thống biết ơn và hoài vọng đối với những người khuất mặt khuất mày, những trận vong chiến sĩ, những người đã từng hiện diện ở mảnh đất này và khi qua đời thì không nơi nương tựa. Các vong linh đó đã có từ nhiều đời nay, và đàn tế cô hồn là nơi để hội tụ tất cả họ, được nhân dân quan tâm phụng thờ tế tự. Căn cứ vào nội dung của văn bia này cùng những quy định trong Hội điển (ngày 03 tháng quí xuân [ tháng 03 âm lịch] và mồng 3 quí đông [tháng chạp âm lịch]), chúng tôi cho rằng cần nhìn nhận lại việc cúng tế cô hồn trong lịch sử, để phù hợp hơn với tín ngưỡng văn hóa đặc sắc đầy nhân bản của người Việt từ xa xưa.

Đối với làng La Vân Thượng, Cô đàn (Đàn tế cô hồn), đình làng La Vân Thượng và ngôi chùa Trùng Quang là 3 thiết chế tín ngưỡng in đậm nét trong ý niệm văn hóa của dân làng. Cũng bởi thế, việc giữ gìn những giá trị tư liệu vật thể và phi vật thể (như văn bia Cô đàn, chuông chùa Trùng Quang, gia phả các tộc họ…) là điều hết sức cần thiết để góp phần khẳng định dấu ấn và giá trị văn hóa của ngôi làng này trong lịch sử văn hóa xã hội của địa phương và đất nước. Tiếc là không rõ vì nguyên cớ gì, tấm bia đá hiện nay chưa được “ứng xử” một cách hợp lý. Tấm bia đá ghi dấu công đức quý báu của các bậc tiền bối làng La Vân đóng góp vào việc xây dựng ngôi cô đàn khang trang đẹp đẽ như bây giờ, thế nhưng hiện tại chỉ nằm nép bên cột đá cổng Cô đàn, và hiện đã bị sứt mẻ nhiều phần trên phiến đá. Chúng tôi thiết nghĩ nên chăng cần có sự đầu tư vừa phải, hợp lý, để dựng lại tấm bia đá này. Đó cũng là một cách ứng xử tốt đẹp nhất đối với truyền thống văn hóa của ông cha.

V.V.Q


CHÚ THÍCH:

[1] Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (Bản dịch viện Sử học) tập 6, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.470

[2] Vì bài văn bia khá dài nên chúng tôi xin lược bỏ phần phiên âm.

[3] Nghĩa trủng 義塚: khu mộ do quan phủ hoặc các nhà quyền quý cung nạp cho trăm họ, dành để mai táng những thi hài chết đường chết sá không nơi nương tựa, hoặc nghèo khó không có đất chôn

[4] Cô đàn孤壇: đàn cúng tế cô hồn.

[5] Trà sơn Bồ thủy茶山蒲水: núi của Hương Tràsông Bồ (từ nguồn Sơn Bồ chảy về Thủy Đảo, Dược Trường qua Cổ Bi, Hiền Sĩ xuống đến ngã ba Quai Vạc (Bác Vọng Đông). Từ ngã ba Quai Vạc thì chia nhiều nhánh, trong đó có nhánh đổ xuống quanh co qua Phúc Yên, Lương Cổ, La Vân Thượng, La Vân Hạ…)

Bình luận về bài viết này