LÀNG HÀ TRUNG VÀ CHÙA SẮC TỨ HÀ TRUNGTRONG LỊCH SỬ XÃ HỘI ĐÀNG TRONG THỜI CÁC CHÚA NGUYỄN

Võ Vinh Quang

(Bài đã đăng ở Tập san Liễu Quán số 8)

Trong quá trình nghiên cứu về làng xã ở Thừa Thiên Huế, chúng tôi rất quan tâm đến những ngôi làng ở vùng duyên hải, đầm phá và vùng sông suối lớn tại Thuận Hóa – Phú Xuân xưa. Bởi lẽ, các vùng đất ấy mang trong mình nhiều giá trị chân thực độc đáo về những giai đoạn lịch sử xã hội, có đóng góp không nhỏ trong tiến trình hình thành và phát triển của địa phương, đất nước. Như đã biết, từ thế kỷ XVI, theo chân Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam có khá nhiều nhân hào danh sĩ tại nhiều địa phương Bắc Hà. Những lớp cư dân này – tùy theo mức độ thân sơ cũng như vai trò, ảnh hưởng của họ – sẽ được bố trí cư trú tại các vùng đất trong toàn lãnh thổ. Trong đó, các thân thần (bề tôi thân cận) gồm họ hàng anh em nhà Chúa, người Gia Miêu Ngoại Trang hay phủ Hà Trung, huyện Tống Sơn… sẽ được ưu tiên lưu ngụ tại các địa điểm xung yếu, có vị trí chiến lược đối với nền kinh tế, chính trị, quân sự ở Thuận Hóa (như các vùng duyên hải, ven đầm phá…vốn là những nơi trọng yếu của các tuyến đường giao thông huyết mạch)…  

Qua các đợt khảo sát hệ thống di sản tư liệu vật thể và phi vật thể ở làng Hà Trung (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế), chúng tôi được tiếp cận nguồn văn bản Hán Nôm rất đồ sộ – với hàng ngàn trang tư liệu quý của rất nhiều loại hình văn bản trải từ thời các Chúa Nguyễn đến nửa đầu thế kỷ XX được lưu giữ tại đình làng, cũng như các vật thể quan trọng hiện tồn tại chùa Hà Trung. Sau khi sao chụp, xử lý và bước đầu tìm hiểu khái lược nguồn tư liệu ấy, chúng tôi xin có một số nhận định về vị thế của làng Hà Trung và ngôi chùa cổ nơi đây.


1/ Vị trí và vị thế của làng Hà Trung trong tiến trình lịch sử của Đàng Trong.

Làng Hà Trung: vào thời chúa Nguyễn thì được gọi là xã Hà Trung thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang, phủ Triệu Phong. “Mùa hạ năm Tân Dậu (1801), Thế tổ Cao Hoàng đế lấy lại Đô thành cũ, trích lấy 3 huyện Hương Trà, Quảng Điền và Phú Vang thuộc phủ Triệu Phong đặt làm dinh Quảng Đức…Năm Gia Long thứ 5 (1806) định làm dinh trực lệ (hai dinh Quảng Đức và Quảng Trị đều buồm hai chữ “trực lệ” lên đầu) lệ thẳng vào Kinh sư. Năm Minh Mệnh thứ 3 (1822) đổi dinh Quảng Đức làm phủ Thừa Thiên, bỏ hai chữ “trực lệ” [1]. Đến năm Minh Mệnh thứ 16, triều Nguyễn đã “trích lấy đất 6 tổng huyện này [huyện Phú Vang] đặt làm hai huyện Hương Thủy và Phú Lộc” [2]. Trong đợt này, xã Hà Trung (thuộc tổng Diêm Trường, huyện Phú Vang trước đó) được chuyển nhập vào huyện Phú Lộc. Đến khoảng triều Bảo Đại (1926-1945), xã Hà Trung lại được nhập vào Tổng Sư Lỗ huyện Phú Vang [3]. Tất cả những văn bản Hán Nôm hiện tồn tại làng như Thị, Kiểu, Thân trình, Bằng cấp, đơn khai, điền bạ, địa bạ qua nhiều đời đã phản ánh rất rõ nét duyên cách hành chính của xứ sở này.

Theo Hương phổ của làng Hà Trung cùng các bản đồ thủy diện, văn bản thân (trình), Thị… hiện tồn, chúng ta tạm thời phục nguyên nguồn gốc của làng này như sau:

Làng (xã) Hà Trung là ngôi làng được hình thành sau đợt Chúa Tiên Nguyễn Hoàng dong buồm tiến vào Trấn nhậm Thuận Hóa.

Hương phổ của làng Hà Trung cho biết: “Nguồn gốc và lịch sử của làng Hà Trung Đại, xã Ninh Hà: ngày xưa sinh ra và lớn lên ở tại huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung thuộc tỉnh Thanh Hóa. Đến tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), Chúa Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ Thuận Quảng, tức là Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Nam lúc đó, 6 ngài Thỉ tổ của 6 họ làng Hà Trung là họ La, họ Mai, họ Bùi, họ Trần, họ Đặng, họ Văn được theo phò giá Nam qui, chiếm đóng Thuận Quảng, hành trình bằng đường thủy vào cửa Tư Dong [Dung] là cửa Tư Hiền hiện nay. Đầu tiên tạm đóng ở Phường Nhất Hà Trung, nay vẫn còn dấu tích hố lũy.” [4]

Do có công phò tá, 6 vị tiên tổ họ La, Mai, Bùi, Trần, Đặng, Văn được nhà Chúa Nguyễn đặc biệt ban chức Cai cơ Phó tướng, giao phó cho cai quản toàn bộ mặt nước (thủy diện) và các xã, phường thuộc địa phận xung quanh phá Hà Trung (từ đầm Hà Trung hiện nay cho đến đầm Cầu Hai (Cao Đôi), cai quản bao gồm cả đầm Thủy Tú.

Bản đồ thủy diện (mặt nước) làng Hà Trung được giao cai quản

Bản đồ thủy diện (mặt nước) cùng hệ thống văn bản Hán Nôm qua các đời đang được bảo tồn ở làng Hà Trung đã thể hiện rất rõ ràng vai trò quản lý đặc biệt của vùng đất này. Có một điều rất đáng lưu tâm là hệ thống tư liệu Hán Nôm đang lưu trữ nơi đây cho chúng ta thấy: từ thời các Chúa Nguyễn cho đến thời điểm đầu thế kỷ XX (cuối triều Nguyễn), làng Hà Trung vẫn giữ vị thế quản lý mặt nước và địa phương toàn vùng ven đầm phá rộng lớn ấy [5].

Để chứng minh cụ thể vấn đề này, chúng tôi xin trích dịch một văn bản Thị [6] và một văn bản Thân (đơn trình)  

  • Văn bản THỊ (Năm Vĩnh Thịnh thứ 9 – 1713)

Văn bản THỊ năm Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713)

Dịch: [Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành]

Thị cho Thứ đội trưởng Dương Triển , Văn Lại , La Phúc Lặc , Nguyễn Văn Mạnh , La Phúc Thông, Nguyễn Ân Thạch , Vũ Văn Tế , Đặng Văn Xúc … thuộc các thuyền Trung Kính [7], Nghi Giang , Gia Nhị [8], Thắng Nhất, Thắng Nhị [9], 勝三 [10], Nghi Giang Nhị [11], Tráng Nhất , Tráng Nhị [12]. [Các ông] có đơn thân trình báo rằng các vị tổ tiên ở bản tổng có công phò giá [Tiên chúa Nguyễn Hoàng], được ân cấp ngụ lộc trong toàn khu vực đầm phá (hải hạc 海涸) đông tây tứ chí gồm: phía đông đến cửa biển Tư Dung 思容海口; phía Nam đến Cao Đôi 高堆 (Cầu Hai), Phước Tượng 福象; Phía tây đến Bà Đa Nhũ 婆多乳, phía Bắc đến Cang Lô 焵炉. Phía trên vượt ra ngoài đầm phá [gồm]: trên đến Ngâm Hiên 吟軒, dưới xuống đến Lỗ Đó 𥗆妬 y như Nội bạ [của xã] đã khai báo canh tác, đang chịu thuế tiền là 44 quan, cá ong – cá cảm (蜂鰔 phong – cảm) là 200 sọt. Đến nay vì bằng cấp cũ đã rách nát nên lại xin cấp bằng mới. Việc này rất hợp tình, bèn đồng ý cấp bằng [cho xã Hà Trung] để từ nay về sau có chứng cớ canh tác ở sổ bộ. Hằng năm, [xã] nạp thuế y như lệ cũ, lấy đó mà biểu dương [những người] có công lao. Nay ban Thị.

Ngày 27 tháng 9 năm Vĩnh Thịnh thứ 9 (1713). [ấn son: Tổng trấn tướng quân chi ấn]

THỊ/ Hoa áp (Thái phó Tộ quốc công).

  • Văn bản Thân (năm Cảnh Hưng 26) [13]:
  •                                             
Văn bản THÂN (bẩm trình)

Dịch: [Bề tôi là dân binh] các đội thuyền Trung Kính, Gia Nhị, Thắng Nhất, Tráng Nhất, Nhất Toàn xin Thân (bẩm) như sau:

Kính vọng ân điển, do từ lâu các bậc tổ phụ của chúng tôi là [thủy quân] ở các đội thuyền đã có công phò giá đức Tiên vương [Nguyễn Hoàng] nên sớm được ban thưởng cho công lao, có cai quản ruộng đất các xứ, trên giáp Hòa Đa dưới xuống đến xã nhà [Hà Trung], kiếm sống bằng nghề chèo lái và canh tác ở ruộng công. Hằng năm nạp thuế quan tại thuyền Gia Nhị, [thu thuế] lương thực ở các xã thôn phường cho đến các nơi mượn ruộng đất cảnh tác, chưa từng bị ngờ vực. Đến nay, các xã vốn mượn đất canh tác lại gian lận mà xâm chiếm ruộng công lập làm ruộng vườn đất tư rất nhiều. Điều đó khiến cho các đội thuyền [chúng tôi] bị nợ thuế quan.

Ngưỡng mong quan lớn rộng lượng soi xét, đồng ý cho các đội thuyền ở xã tôi chiếm lại các khoản đất ruộng vốn có. Đo đạc các sở rộng công để bãi bỏ [sự chiếm dụng của] các xã thôn phường cùng những người đã xâm chiếm ruộng công biến thành ruộng vườn tư của mình. [Được như thế] thì [dân tôi] đội ơn hồng phúc lắm thay! Kính trình!

Từ những dẫn liệu và chứng cớ ở trên, chúng tôi có thể khẳng định rằng vị thế và vai trò của làng Hà Trung trong chính đời sống mọi mặt (kinh tế, chính trị, văn hóa tín ngưỡng…) từ thời Chúa Nguyễn đến hết triều Nguyễn là không hề nhỏ. Bởi lẽ, làng Hà Trung là ngôi làng hợp cư của hệ thống thủy binh đặc biệt quan trọng thời Chúa Nguyễn. Trong đó, đội thuyền Trung Kính là đội thuyền đứng đầu ở hệ thống thủy binh của binh Nội Thủy, đội thuyền Thắng Nhất Thắng Nhị thuộc binh Nội bộ cơ Trung Hậu, đội Thắng Tam thuộc cơ Hữu Trung, Tráng Nhất Tráng Nhị thuộc cơ Hữu Trung Kiên… đã quản lý gần như toàn bộ vùng đầm phá từ cửa biển Tư Hiền nối đến các con sông lớn ở Phú Xuân, nhất là vào những thế kỷ XVI-XIX.  Và khi giao thông đường bộ chưa phát triển, đường thủy chính là tuyến đường giao thông huyết mạch trọng yếu về cả kinh tế, quân sự an ninh quốc phòng…

Tóm lại, làng Hà Trung (tức xã Hà Trung trước đây) có vai trò cực kỳ đặc biệt, là địa phương nắm quyền quản lý toàn bộ khu vực đầm phá, và các con sông lớn của toàn khu vực từ của biển Tư Hiền về đến đầm Thanh Lam. Với quyền cai quản con đường Nội thủy đặc trưng như thế, ắt hẳn rằng làng Hà Trung có đóng góp không nhỏ trong quá trình tồn tại và phát triển của Vương triều nhà Nguyễn (gồm Chúa và Vua Nguyễn) trong các thế kỷ XVI – XX. Cũng từ đó, chúng tôi cho rằng ngôi chùa Hà Trung được Chúa Nguyễn ban “Sắc tứ” và bổ nhiệm thiền sư Nguyên Thiều giữ chức trú trì rõ ràng không thể không có những ý nghĩa quan trọng nhất định.

2/ Chùa Sắc tứ Hà Trung: một số vấn đề cần giải mã

Cho đến nay, ngôi chùa Hà Trung gần như đã đánh mất vị thế quan trọng của nó đời sống Phật giáo xứ Huế nói riêng, Đàng Trong nói chung. Chùa giờ chỉ là ngôi chùa làng, với tất cả các yếu tố gần như được xây mới, chỉ còn chiếc hồ nước vòng quanh trước chùa và một số pháp tượng, pháp khí xưa tồn tại. Thế nhưng, qua quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng cần thiết góp thêm tiếng nói về vị thế của ngôi chùa khá quan trọng trong lịch sử Phật giáo xứ Đàng Trong này.

Như đã đề cập, làng Hà Trung có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển mọi mặt của vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân. Vậy nên ngôi chùa tọa lạc tại vùng đất trên, lại được Chúa Nguyễn Phúc Chu ban sắc tứ [14] không thể không có một vị thế và ý nghĩa nào đấy đối với Phật giáo ở xứ sở này. Không hề ngẫu nhiên khi trên đường từ Phú Xuân quay lại Hội An để chuẩn bị dong thuyền quay về cố quốc, năm 1695, Thiền sư Thạch Liêm đã ghé lại chùa Hà Trung và có một đoạn miêu tả rất thú vị. Chúng tôi xin trích dịch đoạn đặc tả chân thực này

Đoạn trích về làng Hà Trung trong sách Hải ngoại kỷ sự

“將午抵河中寺,極望瀰漫為洋海奧區,波濤衝激所不及。淺瀨淤泥,水草交加,魚蟹蜃蛤之藪,平隄柴柵,水楊生焉。茫蕩間有結茆半椽者,殆海利謀生之巢居乎。寺處平壤,三面臨水,門外百步即淤塗。遠近蠔花為隄,楊柳蔭其上,微風澹渚,弱藻縱橫。烏魚泥蟹寄生螺之所泳游。行人折旅嬉戲,歸興放眸,思何如也。比至,蒼松翠陰,數百年古木。國中諸山無非檳榔,菴摩,椰子各種雜植,松則此僅見者矣。穿松而入,不築圍垣,有方池環繞殿外,與潮汐消長。枕海地低,所固然耳。池中赤鯉無數,隨行爭以象耳餅投之。群起嚵嚼,往來自得絕不畏人。蔬畦瓠架,雜奔叢菊,分布松根隙地。殿後一松大數抱虯枝古幹,輪囷離奇,自是千歲之物。上葉蟠鬱成毬,傳記松尾成毬,下必有茯苓琥珀。然不敢張其說以戕此美蔭矣。該伯監寺延 入殿中供齋。監寺,戒子也。齋畢,還舟解纜,回望紺殿朱檐,蔽虧於細柳高林,與水煙雲日相照媚,恍若蓬萊閬苑矣 [15]”

Dịch:

Gần giờ Ngọ, đến chùa Hà Trung. [Ngước mắt] Trông mênh mông xa tít là vùng đầm phá nằm trong (tiếp giáp với) biển cả [16], [dẫu] sóng biển cuồn cuộn dữ dội [vẫn] không thể vỗ vào được. Sóng gợn lăn tăn tấp vào cát mềm, cỏ – nước hòa quyện vào nhau, là nơi tụ hội đông đúc của nghêu sò cua biển. [Ở đó] có hàng rào chắn làm bằng củi do cây dương nước sinh ra. Trong khoảng không gian [đầm phá] mênh mông đó có dựng lên những nhà chòi nhỏ lợp tranh tạm bợ, nơi dùng để mưu sinh trong lúc biển êm, sóng lặng mà thôi. Chùa ở trên bãi đất mềm, ba mặt giáp nước, ngoài cửa chùa trăm bước ấy là khoảng đất bùn, nhìn xa gần đều có sò hến [tựa như] bờ đê. Cây dương liễu rợp bóng ở phía trên, gió nhẹ lặng lờ bên bãi, rong rêu bám dọc ngang. Đây là nơi các loại cá đối nục [17], cua đồng, ốc ký sinh bơi lặn dọc ngang. Người đi du ngoạn chiêm ngưỡng, tùy hứng phóng mắt [muôn nơi], tứ văn trỗi dậy biết nhường nào. Kịp đến chùa, thông xanh rợp bóng, toàn là những cây cổ thụ hàng trăm năm. Các sơn môn (ngôi chùa) trong nước [Đại Việt] không thiếu giống cây cau (Tân lang檳榔), cây xoài (am-ma-la quả 庵摩罗果), cây dừa (gia tử 椰子) được trồng phồn tạp, duy [chùa] có cây thông (tùng ) thì ta mới được thấy ở nơi đây vậy. Đi xuyên qua đám cây thông mà vào, chùa không xây tường bao bọc, có ao vuông vòng quanh ở phía ngoài Phật điện, nước hồ lên xuống cùng với theo nước ròng [thủy triều]. Do lãnh địa [phá Hà Trung] này gối đầu với biển nên tất yếu [lên xuống theo thủy triều] như vậy. Trong ao có vô số cá gáy đỏ (xích lý 赤鯉). Bọn tùy tòng tranh nhau bẻ bánh tai voi mà ném xuống ao, cả bầy cá tham mồi nhảy lên đớp, rồi bơi qua bơi lại tự đắc, tuyệt chẳng sợ người. [Quanh chùa] có những luống rau, giàn bầu lẫn cùng bụi cúc, phân bổ ở các khe đất trống dưới các gốc thông. Sau lưng Phật điện có cây tùng to lớn, gốc cây đến vài vòng ôm, gấp khúc sần sùi kỳ dị, tự thân nó là loài thực vật ngàn tuổi. Trên đọt cây có hình uốn khúc thành quả cầu (hình tròn như quả bóng), tương truyền rằng: đọt cây tùng nào biến thành hình cầu thì phía dưới tất có phục linh (loại nấm quý), hổ phách (loại nhựa cây hóa đá quý). Nhưng ta không dám bộc lộ lời tương truyền ấy ra, vì sẽ khiến giết chết cây cổ thụ quý giá.

Cai bá [giữ chức] Giám tự mời rước ta vào trong Phật điện để cúng bữa cơm chay. Giám tự là người con trong Phật giới (Phật tử) vậy. Bữa chay xong, ta quay về thuyền nhổ neo, ngoái trông Phật điện [18] lộng lẫy sắc ngời [19], ẩn hiện lấp ló nơi rừng cao liễu rũ, cùng khói mây bóng nước sáng tươi, [ta bỗng] thảng thốt như [vừa] ở chốn bồng lai tiên cảnh vậy.

Qua nét miêu tả của thiền sư Thạch Liêm, ta thấy ngôi chùa Hà Trung như tọa lạc ở chốn bồng lai tiên cảnh, non xanh nước biếc. Chùa có 3 mặt tiếp giáp với mặt nước đầm phá, và đặc biệt nhất chính là chùa được bao bọc bằng rất nhiều hàng thông xanh cổ thụ. Cũng từ chi tiết ấy, chúng ta có cơ sở để liên tưởng rằng chùa Hà Trung là ngôi Phật tự đã tồn tại khá lâu ở vùng đất này, với nét thâm u của rừng thông đặc biệt, mà theo Thạch Liêm hòa thượng là ngôi chùa duy nhất có cây thông (rừng thông) trong hệ thống sơn môn ở nước Đại Việt ta.

Ngôi chùa ở đất Hà Trung ấy, theo nội dung văn bia Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp ký minh ở tháp tổ Nguyên Thiều, đã được Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đặc ban “Sắc tứ” và bổ nhiệm thiền sư Nguyên Thiều về trú trì sau những công đức “diên thỉnh Trường Thọ Thạch Lão hòa thượng, tịnh thỉnh Phật tượng cập Pháp khí. Đệ hồi lai vãng hoàn thành phả đa công tích”. 延請長壽石老和尚,并請佛像及法器,遞回來往完成頗多功績 (mời rước Thạch Liêm lão hòa thượng ở Trường Thọ am cùng cung thỉnh các tượng Phật và pháp khí. Các lần đi về (mời rước) đã hoàn thành với rất nhiều công trạng).

VĂN BIA THÁP TỔ NGUYÊN THIỀU

Và, từ khi thiền sư Nguyên Thiều trú trì chùa Sắc tứ Hà Trung, pháp phái Nguyên Thiều tại Thuận Hóa đã chính thức được thiết lập vững vàng và ngày càng phát dương quang đại: “tự thử phụng chỉ trú trì Hà Trung tự, hồi quang tự chiếu, phân điều chiết lý, đàm cập huyền vi, tải bị tiền văn, tiệt ngụy tục chân, khai tư hậu học, thụ cụ-giới đồ tự chúng nhân đẳng” 自此奉旨住持河中寺,回光自照,分條析理,談及懸微,戴備前聞,截偽續真,開玆後學,受具戒徒四眾人等 (từ đó, ngài vâng chỉ trú trì chùa Hà Trung, hồi quang tự chiếu [20], phân tích sự lý của vũ trụ, giảng giải chạm đến phần ảo diệu, mở rộng thêm những điều từng nghe; chặt dứt ngụy tà tiếp nối lẽ chân như, mở rộng [Phật pháp] cho hậu học [21], rất nhiều tứ chúng đệ tử đã được thọ giới cụ-túc).

Tiếc là từ sau khi thiền sư Nguyên Thiều viên tịch, ngôi chùa Sắc tứ Hà Trung đã có bước thăng trầm ra sao, vận hành như thế nào thì không có tư liệu nào miêu tả cụ thể. Chỉ biết rằng, khi Lê Quý Đôn biên soạn Phủ biên tạp lục, ngôi chùa Hà Trung vẫn còn được nhắc đến với vai trò là một ngôi chùa Công (hay chùa quan, tức chùa do Triều đình/ phủ Chúa quản lý): “Trấn Thuận Hóa có chùa công Thuận An, chùa công Kim Long, chùa công Hà Trung, chùa công Quang Xuân, chùa công Thiên Mụ, đều là đại danh lam, chùa nào cũng đặt tăng lục, lại có ty Tăng lục, ty Nội pháp, ty Huyền pháp, ty Đạo lục, ty Tứ quý, ty Lương y, ty Tượng y” [22]  

Bẵng đi một thời gian khá dài với các biến động lớn của lịch sử xã hội vùng đất Phú Xuân, ngôi chùa Sắc tứ Hà Trung đã đánh mất vai trò và vị thế của mình từ thế kỷ XIX đến nay. Khảo sát từ những ghi chép trong chính sử, địa lý triều Nguyễn khoảng đầu thế kỷ XX (như Đại Nam thực lục, Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Đại Nam nhất thống chí, Đồng Khánh dư địa chí…) chúng tôi không hề thấy đề cập đến ngôi chùa đặc biệt từng được ban sắc tứ và do vị thiền sư Nguyên Thiều giữ chức trú trì này [23]. Chỉ đến khi Tập san Bulletin des Amis du Vieux Huế (Những người bạn cố đô Huế, viết tắt: B.A.V.H) bộ đầu tiên ra đời vào năm 1914, chùa Hà Trung mới tiếp tục được nhắc đến ở hai bài viết: Chùa Quốc Ân: người sáng lập của ông Cadière và bài giới thiệu Tượng phật ở Hà Trung của ông Nguyễn Đình Hòe [24]. Ở bài viết Chùa Quốc Ân: người sáng lập , tác giả L.Cadière đã công phu khảo cứu kỹ càng nhiều chi tiết liên quan đến chùa Quốc Ân, thiền sư Nguyên Thiều. Đây là công trình có những đóng góp không nhỏ đối với tiến trình nghiên cứu Phật giáo và chùa chiền xứ Huế. Tiếc vì chưa hiểu rõ ngôi chùa Hà Trung đặt trong bối cảnh lịch sử xã hội cuối thế kỷ XVII, ông Cadière đã có nhận định mang tình hoài nghi và suy luận không hợp lý. Tác giả viết: “Có một sự kiện làm chúng tôi ngạc nhiên và hình như không giải thích được Nguyên Thiều như đã ghi: “Đi, về hoàn thành sứ mệnh tốt đẹp được nhiều khen thưởng”. Nhưng khi từ Quảng Đông trở qua, người ta không giao cho ông coi ngó chùa Quốc Ân mà ông thành lập. Vị sư phó tên là Thạch Liêm mà ông đưa qua, lại vào Thiên Mụ, là một trong những chùa quan trọng nhất ở Huế, và ông lại chuyển về Hà Trung. Mặc dù là trụ trì nhưng cách đặt như thế này như một giáng chức vì Hà Trung thật ra là một làng mất hút đầu phá của Huế trên một vùng đất cát phải đi nửa ngày đường mới đến phía Nam của Kinh đô Huế. Cũng chính trong chùa ấy, đặt tượng quan trọng nhất mà ông chuyển từ Trung Hoa về” [25]. Nhận định ước đoán trên khá thiếu cơ sở khách quan, và chính tác giả cũng không thể lý giải được mâu thuẫn nội tại phát sinh ra từ suy nghĩ ấy: tại sao Thiền sư Nguyên Thiều có công trạng to lớn như thế lại “bị” bổ nhiệm trú trì ngôi chùa Hà Trung “như một giáng chức”. Lời thắc mắc cho sự “ngạc nhiên và hình như không giải thích được” của học giả Cadière được chúng tôi trình bày ở những phần trên.

Ở đây, chúng tôi trích dẫn phần đoán định của ông học giả người Pháp này để thấy rằng sự ước đoán của ông, dẫu không có tình hạ thấp vai trò của Thiền sư Nguyên Thiều và mối quan hệ giữa Nguyên Thiều – Chúa Nguyễn, và cũng chỉ mang tính phán đoán cá nhân, song lại có tác động đến một số nhận thức khá nhầm lẫn của những công trình nghiên cứu về Phật giáo xứ Huế và về Thiền sư Nguyên Thiều sau này. Bởi vậy, qua bài viết dưới đây, chúng tôi xin khẳng định ngôi chùa Hà Trung do thiền sư Nguyên Thiều Hoán Bích đảm nhiệm trú trì vốn là ngôi chùa Công (tức Quan tự 官寺), có vị thế rất quan trọng trong đời sống Phật giáo của xứ Huế nói riêng, Đàng Trong nói chung. Và, lẽ dĩ nhiên các đời Quốc chúa ở Nam Hà (như Minh vương Nguyễn Phúc Chu, Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ) rất tôn sùng, trọng vọng đạo hạnh, đức nghiệp và vị thế của Hòa thượng Nguyên Thiều [26].

3. Thay lời kết

Mặc dù đã rất nỗ lực thu thập, xử lý và tìm hiểu cụ thể về ngôi chùa Sắc tứ Hà Trung và thiền sư Nguyên Thiều, song do những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhất định, chúng tôi vẫn chưa thể giải quyết đầy đủ các câu hỏi có liên quan đến vị thế ngôi Quan tự ấy như: Chùa Hà Trung đóng vai trò cụ thể gì trong tiến trình lịch sử Phật giáo Đàng Trong?. Các đời trú trì của chùa này như thế nào? Tại sao ngôi chùa lại đánh mất vị thế kể từ triều Nguyễn (1802) cho đến bây giờ?…

Đấy chính là những thắc mắc làm động lực để chúng tôi lại tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn trong tương lai.

Để thay lời kết, chúng tôi xin có lời đề nghị: xin trả lại nguyên vẹn tên của chùa Hà Trung là Hà Trung tự 河中寺  hoặc tên Sắc tứ Hà Trung tự 敕賜河中寺 để không mất đi giá trị lịch sử văn hóa của ngôi chùa đặc sắc này trong đời sống văn hóa Phật giáo xứ Huế. Sở dĩ có lời thỉnh nguyện ấy bởi vì đến nay, khi thâm nhập tìm hiểu về chùa Hà Trung, chúng tôi thấy biển hoành đề tên chữ của chùa là: Phổ Thành tự 普成寺 .

CHÙA LÀNG HÀ TRUNG (bị gọi nhầm là chùa PHỔ THÀNH)
BIỂN TÊN CHÙA BẰNG CHỮ HÁN HIỆN NAY (2015): PHỔ THÀNH TỰ.
Đây là một sự nhầm lẫn có nguyên do từ các khúc mắc lịch sử.

Đây là một sự nhầm lẫn rất đáng tiếc. Bởi lẽ Phổ Thành tự 普成寺 hiện được đặt cho tên chùa lấy từ tên của chiếc chuông đang đặt tại góc phải chánh điện: Phổ Thành tự chung普成寺鐘 (chuông chùa Phổ Thành)

CHUÔNG “PHỔ THÀNH TỰ CHUNG” HIỆN ĐẶT TẠI CHÁI BÊN PHẢI (NHÌN NGOÀI VÀO) TRONG NỘI ĐIỆN CHÙA HÀ TRUNG – VINH HÀ – PHÚ VANG – THỪA THIÊN HUẾ (Đây là “nguyên nhân chính” gây ra nhầm lẫn tên chùa như hiện nay)

Song, căn cứ vào toàn bộ nội dung văn chuông, cũng như đối chiếu với tư liệu gốc (chuông, tượng, văn bia, câu đối…) hiện tồn ở Bắc Ninh, chúng tôi đủ cứ liệu để khẳng định chuông này vốn là chiếc chuông đồng chùa Phổ Thành, thuộc xã Ngâm Điền, tổng Đông Cứu, huyện Gia Định, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc (đời Lê), nay là thôn Ngăm Lương, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.

Mặc dù không có tư liệu chính xác để lý giải tại sao chuông chùa Phổ Thành ở làng Ngâm Điền hiện nay lại được đặt ở chùa Hà Trung, nhưng căn cứ vào một số hiện tượng phổ biến về sự chuyển hóa pháp bảo pháp khí ở các địa phương trên đất Huế cũng như các nguồn tư liệu khác có liên quan, chúng tôi tạm đặt giả thiết rằng vốn chuông chùa Phổ Thành (làng Ngâm Điền) bị quân Tây Sơn tịch thu, nhưng chưa dùng được. Sau đó Nguyễn vương Phúc Ánh thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Gia Long (1802-1820). Ở thời kỳ này, sau khi thu dụng lại tất cả những pháp tượng pháp khí còn sót lại (chưa bị quân Tây Sơn sử dụng), Nhà vua tiến hành trao trả lại pháp khí cho các làng, các nơi thờ tự. Tuy vậy, do Làng Ngâm Điền sau khi bị tước mất chuông cũ, họ đã đúc chuông mới vào ngày 14 tháng 03 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 6 (1798) để làm pháp khí thay thế

CHUÔNG CHÙA PHỔ THÀNH ĐƯỢC ĐÚC DƯỚI NIÊN HIỆU CẢNH THỊNH TRIỀU TÂY SƠN ,
DÙNG THAY THẾ CHO CHUÔNG CŨ (Ở HÀ TRUNG). ẢNH: Trần Mạnh Cường (xin cám ơn anh Cường đã cho phép sử dụng)
BIA ĐÁ “PHỔ THÀNH TỰ BI” LẬP NĂM VĨNH TỘ (Ảnh: TRẦN MẠNH CƯỜNG)
Hoành phi PHỔ THÀNH THIỀN TỰ ở chùa Phổ Thành, Bắc Ninh (ảnh: TRẦN MẠNH CƯỜNG)

Vậy nên, họ đã chấp nhận nhượng lại (hoặc được triều đình thương thuyết nhượng lại, mua lại) chiếc chuông cũ này cho chùa Hà Trung – ngôi chùa bấy giờ có lẽ bị mất hết pháp khí. Câu chuyện pháp khí ở nơi này lại hiện hữu chốn kia không chỉ có nhiều trong thực tế, mà còn có khi được ghi chép lại trong chính sử. Chẳng hạn, Đại Nam nhất thống chí khi nói về chùa Thiền Lâm có đoạn rằng: “Phía tả chùa có một quả chuông đồng, cao 4 thước, mình tròn 6 thước, dày 4 tấc, mặt ngoài chuông có khắc chữ “Lê Vĩnh Thịnh thập nhị niên chú”. Hồi đầu đời Gia Long, đánh được Bắc Thành, chở về để trong kho, sau sửa lại chùa, lại đem để ở chùa này” [27]. Như thế, vào đầu thế kỷ XX, chuông đồng ở chùa Thiền Lâm vốn là chuông ở nơi khác được cho về để làm pháp khí của chùa.

Nói vậy để thấy, có những biến động của thời cuộc, của lịch sử xã hội nước ta tạo nên nhiều “dấu ấn” khá lạ và độc đáo trong lịch sử. Nhưng cũng chính vì vậy khiến đôi lúc chúng ta rơi vào sự nhầm lẫn, sai sót rất không đáng có.

Qua đây, một lần nữa chúng tôi tha thiết yêu cầu trả lại đúng tên gọi của ngôi chùa từ thời khởi thủy, đó là: Sắc tứ Hà Trung tự. Điều này hết sức cần thiết cho lịch sử Phật giáo Huế nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.   

V.V.Q

Chú thích:

1/ Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, tập 1 (Viện Sử học dịch), tái bản lần thứ hai, , tr.107

2/ Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Sđd, trang.110

3/ Điều này chúng tôi căn cứ vào văn bản Thuận Ứng trích tiền lo ruộng thờ của xã Hà Trung vào ngày 24 tháng 09 năm Bảo Đại thứ 2 (1927), do Hàn lâm viện Kiểm tịch Đặng Dao cùng các vị chức sắc trong làng đứng ra tập hợp,  trong đó câu mở đầu là: “富榮縣師魯總河中社仝本社等為立詞順應摘置祀田… (Phú Vang huyện, Sư Lỗ tổng, Hà Trung xã đồng bổn xã đẳng vi lập từ thuận ứng trích trí tự điền…)

4/ Hương phổ Làng Hà Trung, bản chép tay 1969 (sao lại năm 2002), hiện đặt tại Đình làng Hà Trung, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế

5/Trong Liễu Quán số 3, chúng tôi đã từng cung cấp Bản kê Pháp tự, pháp khí chùa Thánh Duyên năm Thành Thái thứ 15 (1903). Đây là một trong rất nhiều tư liệu được lưu trữ ở làng Hà Trung cho chúng ta thấy vị thế của ngôi làng đặc biệt này vào thời Chúa và Vua Nguyễn

6/ Thị là loại hình văn bản hành chính thời Chúa Nguyễn, do Chúa Nguyễn ban cấp với mục đích bổ nhiệm chức vụ cho quan viên thuộc lại hoặc cấp bằng, chuẩn cho thi hành… Trên văn bản thị luôn có ấn triện: Tổng trấn tướng quân chi ấn đóng dưới dòng niên hiệu, trên năm; Phía phải đóng ấn triện nhỏ (tiểu long tỷ) “Thủ tín thiên hạ văn vũ quyền hành”; Phía trái của dòng niên hiệu đóng ấn thì có đại tự Thị trên, hoa áp ấn dưới. Giữa khoảng đại tự THỊ và Hoa áp ấn sẽ có chữ “Thái phó [mỗ] quốc công” (ở văn bản thị này là “Thái phó Tộ quốc công”, tức đây là văn bản do Tộ Quốc công Nguyễn Phúc Chu ban cấp..

7/Nói về mục “Ngạch binh và số binh trong ngoài của họ [Chúa] Nguyễn”, Lê Quý Đôn ở trình bày rằng: “Có binh Nội Thủy, thuộc về đấy là các thuyền Trung Kính中勁, Trung Thủy, Tả Thủy, Hữu Thủy, Tả Trung Kính, Hữu Trung Kính, Tân Hậu, Thủy Kiệu thuyền, Kính thuyền…” (Lê Quý Đôn (2007), Phủ biên tạp lục (Viện Sử học dịch), Nxb Văn hóa Thông tin, tr.234). Như vậy, đối chiếu với tờ đơn Thân ở trên, ta thấy Xã (làng) Hà Trung là nơi tập họp của đội thuyền Trung Kính – đội thuyền tiên phong, thuộc binh Nội Thủy

8/ Nghi Giang, Gia Nhị thuộc binh Nội Thủy

9/ Theo Phủ biên tạp lục:  Đội Thắng Nhất, Thắng Nhị thuộc binh Nội bộ của cơ Trung Hậu

10/ Theo Phủ biên tạp lục:  Đội Thắng Tam thuộc cơ Hữu Trung

11/ Theo Phủ biên tạp lục: đội Nghi Giang Nhị thuộc binh Nội Thủy

12/ Theo Phủ biên tạp lục: đội Tráng Nhất, Tráng Nhị (tức Tráng Nhất Súng, Tráng Nhị Súng) thuộc cơ Hữu Trung Kiên

13/Văn bản này chúng tôi đã khảo sát, nhưng trong quá trình chụp ảnh và lưu giữ tư liệu thì có lẽ vì bất cẩn, nên phần ảnh ghi niên hiệu và tên người khai không biết bị lẫn lộn ở đâu. Chúng tôi sẽ bổ khuyết tư liệu ở bài viết sau

14/ Văn bia tháp tổ Nguyên Thiều do Ninh vương Nguyễn Phúc Chú tự tay biên soạn có tiêu đề “Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp ký minh敕賜河中寺煥碧禪師塔記銘 là sự chứng minh rõ ràng nhất cho việc ngôi chùa Hà Trung từng được ban Sắc tứ ít nhất vào thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu (ở ngôi: 1691-1725) và Ninh vương Nguyễn Phúc Chú (ở ngôi: 1725-1738)           

15/ Thạch Liêm – Thích Đại Sán, Hải ngoại kỷ sự, quyển 3, Bộ nhập Tứ khố toàn thư, Địa chí loại

16/ Nguyên tác “Cực vọng di mạn vi dương hải áo khu” 極望瀰漫為洋海奧區 (Cực vọng 極望: trông đến cùng cực, cực điểm, trông xa tít tắp; Di mạn 瀰漫: là sung mãn, là bao trùm khắp nơi; áo khu奧區: vùng nội địa, vùng phía trong của lãnh thổ, tiếp giáp với biển) có nghĩa là:  trông xa tít tắp khắp muôn nơi là vùng lãnh thổ (phá Hà Trung) nằm ở phía trong của biển cả (tiếp giáp với biển lớn). Ở đây chỉ dùng phá Hà Trung rộng lớn mênh mông. Bản Việt dịch Hải ngoại kỷ sự của Viện Đại học Huế – Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam năm 1963 trang 133 dịch là: “Man mác xa trông, đây là một vũng veo của biển cả” có thể nói là ngắn gọn, cô đọng nhưng không bộc lộ được rõ nét sự đặc tả của nguyên tác về vùng phá Hà Trung rộng lớn mênh mông.

17/ Nguyên tác là ô ngư 烏魚: còn gọi là hắc ngư黑魚, sinh ngư生魚, lễ ngư鱧魚, tài ngư 才魚 tức là loại cá đối đầu dẹt, cá đối nục, cá đối mục, tên khoa học là Mugil cephalus

18/ Dịch từ cám điện紺殿: tức Phật điện佛殿 [điện Phật], hoặc Phật tự 佛寺 [chùa Phật])

19/ Dịch từ Chu diêm 朱檐, tức gọi tắt của cụm từ “bích ngõa chu diêm” 碧瓦朱檐 : kiến trúc hoa mỹ lộng lẫy. (Bích ngõa 碧瓦: ngói lợp màu xanh lục, chu diêm朱檐: mái nhà hình son đỏ)

20/ Hồi quang tự chiếu 回光自照: còn gọi là hồi quang phản chiếu回光反照 . Đây là thành ngữ, nghĩa gốc là ánh sáng tự phản chiếu lại khi phát ra trên không trung. Cũng dùng để ẩn dụ rằng mặc dù người đã khuất, nhưng phần tinh thần, tinh túy của người đó vẫn như ánh sáng tỏa ngời rực rỡ, phát quang mạnh mẽ

21/Câu “Phân điều chiết lý, đàm cập huyền vi, tải bị tiền văn, tiệt ngụy tục chân, khai tư hậu học” 分條折理談及懸微戴備前聞截偽續真開玆後學  này lấy ý và nghĩa cũng có phần đồng dạng, đồng thời có bổ sung thêm câu chữ, ý từ từ câu văn trong Đại Đường Tam tạng thánh giáo tự 大唐三藏聖教序của Đường Thái Tông. Cụ thể, câu văn của Thái Tông nhà Đường viết: “hữu Huyền Trang pháp sư gi… ngưng tâm nội cảnh, bi chính pháp chi lăng trì, sái lự huyền môn, khái thâm văn chi ngoa mậu. Tư dục phân điều tích lý, quảng bỉ tiền văn, tiệt ngụy tục chân, khai tư hậu học. Thị dĩ kiều tâm tịnh độ, vãng du Tây thành” 有玄奘法師者…凝心內境,悲正法之陵遲,栖慮玄門,慨深文之訛謬. 思欲分條析理,廣彼前聞,截偽續真,開茲後學。是以翹心淨土,往遊西 域. Lẽ dĩ nhiên với truyền thống tập cổ trong văn chương xưa, việc trưng dẫn, sử dụng các câu văn chuẩn mực ở các tác phẩm kinh điển để đưa vào bài văn của mình càng chứng tỏ tác giả là người uyên thâm, đọc nhiều hiểu rộng. Tuy vậy, đôi lúc tác giả không nhất thiết phải trích dẫn nguyên văn, mà có thêm phần “đồng sáng tạo” với câu văn được dẫn, nhằm thể hiện ý tưởng và mục đích cụ thể của mình. Xét trong cách hiểu đó, chúng ta đối chiếu câu văn của Quốc chúa Nguyễn Phúc Thụ sẽ thấy có một số từ khác (như: quốc chúa viết “chiết lý” 折理 – Đường Thái Tông viết “tích lý析理: về cơ bản đều giống nhau, tức đều nằm trong hàm nghĩa phân tách lý lẽ; quốc chúa viết “tải bị tiền văn” 戴備前聞: chuyển tải đầy đủ [cho người khác] những tri thức đã lĩnh hội từ người đi trước –  Đường Thái Tông viết “quảng bỉ tiền văn”廣彼前聞: truyền thụ rộng rãi cho người khác về những tri thức đã được lĩnh hội ở người đi trước… ), đồng thời Quốc chúa lại có thêm phần bổ sung: “đàm cập huyền vi” 談及懸微 (bàn đến tận lẽ huyền diệu sâu xa của tuệ giác, của vũ trụ) – rõ là phần này không có trong văn cú của Đường Thái Tông. Tóm lại, chúng tôi cho rằng việc “lẩy” ý tứ, câu cú từ văn phong của người xưa là hoàn toàn bình thường, và không bắt buộc phải tuân thủ đúng theo nguyên tác

22/ Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr.146

23/ Thảng hoặc chúng tôi chỉ thấy ghi chép của Đại Nam liệt truyện tiền biên, phần thiền sư Nguyên Thiều nhưng cũng chỉ điểm qua, không nói cụ thể

24/ Bài Chùa Quốc Ân: người sáng lập của Cadière đăng ở BAVH 1914 (Đặng Như Tùng dịch), tr.160-177;  bài giới thiệu Tượng phật ở Hà Trung của Nguyễn Đình Hòe đăng ở BAVH 1914, tr.363

25/  L.Cadière, Chùa Quốc Ân: người sáng lập, BAVH 1914 (Đặng Như Tùng dịch, Bửu Ý hiệu đính), Nxb Thuận Hóa – Huế, 1997 tr.171

26/  Cụ thể ở đây: Thứ nhất, là việc bổ nhiệm trú trì chùa Sắc tứ Hà Trung cho sư Nguyên Thiều của Minh vương Nguyễn Phúc Chu để ghi nhớ, tưởng thưởng công lao thi hành Phật sự cao quý, cung thỉnh được Hòa thượng Thạch Liêm Đại Sán để góp phần đưa Phật giáo Đàng Trong bước sang một giai đoạn phát triển mới, toàn diện hơn. Thứ hai, sau khi thiền sư Nguyên Thiều thị tịch, Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ đã chính tay ngự bút bài văn bia “Sắc tứ Hà Trung tự Hoán Bích thiền sư tháp ký minh” vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729), đặt để tại bảo tháp của ngài. Đây được xem là văn bia độc nhất vô nhị do một vị Chúa Nguyễn tự tay soạn viết để nêu cao công đức, hành trạng của một vị thiền sư ở Phật môn. Văn bia này cùng văn bia Ngự kiến Thiên Mụ tự của Minh vương Nguyễn Phúc Chu (1715) , theo chúng tôi, chính là hai bảo bối quý giá nhất về văn khắc Hán Nôm Phật giáo Huế. Ân điển ấy ngay chính Tổ sư Liễu Quán vẫn không có được. Bởi thế, chúng tôi khẳng định chắc chắn không thể nào có chuyện Chúa Nguyễn “đày” thiền sư Nguyên Thiều xuống chùa Hà Trung vì bất cứ một lý do gì.

27/ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Sđd, tr.238

Bình luận về bài viết này